Chưa phát huy hết thế mạnh
Long An có vị trí thuận lợi, cầu nối giữa TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam. Những năm qua, KT-XH tỉnh không ngừng phát triển. Tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, biến các thách thức thành cơ hội mới cho địa phương phát triển; luôn năng động, sáng tạo, đổi mới trên tất cả lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế và từng bước khẳng định vị trí của mình trong “guồng quay” phát triển của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh được đánh giá cao hơn mức trung bình chung của cả nước và là tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn, bởi vị trí địa lý cũng như những cơ chế, chính sách thu hút ưu đãi, thông thoáng. Hiện tỉnh là ngôi nhà chung của hơn 14.000 doanh nghiệp.
Cảng quốc tế Long An được đầu tư, nâng cấp, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống logistics, giao thương hàng hóa trên địa bàn
Tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển. Công nghiệp tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, quy hoạch cảng biển của tỉnh hiện nay có thể tiếp nhận tàu 30.000 tấn, 50.000 tấn, trong tương lai có khả năng tiếp nhận tàu trên 70.000 tấn, thậm chí là 100.000 tấn. Nhà xưởng xây sẵn là một thế mạnh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển các dịch vụ, thương mại đồng hành cùng sự phát triển KT-XH. Dịch vụ logistics được quan tâm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, các siêu thị, cơ sở phân phối, chợ, cửa hàng tiện ích,... ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu của người dân,...
Tất cả những điều kiện trên rất thuận lợi cho tỉnh trong việc giao thương, kết nối, trao đổi hàng hóa,... Các cửa khẩu trên địa bàn thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại đường biển. Nếu khai thác tốt những lợi thế, tỉnh sẽ nhanh chóng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường.
Tỉnh tập trung ưu tiên phát triển, kết nối hệ thống giao thông, hệ thống logistics, thúc đẩy vận chuyển, giao thương hàng hóa
Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phân bố đều, tạo điều kiện trong việc giao thương, đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển thương mại, giao thương, dịch vụ logistics,... vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết thế mạnh. Theo đánh giá, các cảng đóng vai trò là các điểm trung chuyển giữa vận tải đường bộ và đường thủy nhưng tỉnh chưa có đủ các cảng bốc xếp hàng hóa, do đó, chưa đẩy mạnh được các động thái nhằm thiết lập hệ thống logistics phù hợp. Độ sâu, độ cao tĩnh không của các cầu trên các tuyến đường còn chưa phù hợp khiến năng lực của vận tải đường thủy bị hạn chế. Công tác nạo vét, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên; chưa có sự kết nối tốt giữa các tuyến đường chính, kho bãi và đường thủy, các tuyến đường nối các địa điểm, nơi sản xuất các mặt hàng đến các kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản cũng còn là vấn đề nan giải. Năng lực, độ an toàn của vận tải hàng hóa bằng đường thủy vào ban đêm bị hạn chế do thiếu hệ thống phao tiêu, biển bố. Mặt khác, vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn chỉ bao gồm đường bộ và đường thủy nội địa, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ bằng đường biển,...
Phát triển hệ thống logistics một cách đồng bộ
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông - vận tải định hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, tăng cường tính kết nối các trung tâm đô thị lớn, các trung tâm tăng trưởng và các khu vực trong tỉnh với nhau; bảo đảm vận chuyển hàng hóa, hành khách an toàn, hiệu quả cùng với bảo vệ môi trường, phòng tránh các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí; thiết lập cơ chế tổ chức và thể chế phù hợp để tạo dựng và quản lý mạng lưới, dịch vụ vận tải một cách hữu hiệu. Phát triển mạng lưới giao thông hiệu quả, có tính cạnh tranh, gắn kết mạng lưới giao thông vùng, tạo điều kiện cho tỉnh trở thành cửa ngõ thực sự kết nối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng KTTĐ phía Nam; hình thành chuỗi hệ thống giao thông, bảo đảm thông suốt, phục vụ nhu cầu vận tải của người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Định hướng của ngành cũng tập trung ưu tiên phát triển, kết nối hệ thống giao thông để phát triển hệ thống logistics, thúc đẩy vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân,... Ngành đẩy mạnh quy hoạch bến bãi hàng hóa dọc các trục giao thông chính: Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Đường tỉnh 830, các khu, cụm công nghiệp,... phục vụ các chợ đầu mối, chợ trung tâm các địa phương, chợ dân sinh nhằm hỗ trợ việc trao đổi buôn bán của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Hình thành các trung tâm logistisc góp phần thúc đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An và các tỉnh: Trung tâm logistics Bến Lức là trung tâm trung chuyển hàng hóa có quy mô từ 30-50ha; Trung tâm logistics Cần Giuộc gần khu vực Cảng Quốc tế Long An với quy mô 50-100ha; trong tương lai hình thành Trung tâm logistics Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Trung tâm logistics Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu với quy mô mỗi trung tâm khoảng 30ha.
Thế mạnh logistics trên địa bàn tỉnh là các kho vận
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ngành Công Thương tập trung phối hợp, kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Thế mạnh về logistics trên địa bàn tỉnh là kho vận. Tuy nhiên, về vấn đề vận chuyển, trao đổi, giao thương hàng hóa vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là trong vận tải đường biển. 6 tháng đầu năm 2022, ngành đã kết nối, đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics bằng việc tăng cường kêu gọi xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Quốc tế Long An, kết nối một số doanh nghiệp chuyên về logistics để hỗ trợ, thực hiện vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Thời gian tới, để việc kết nối, giao thương, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, ngành đề xuất phát triển hệ thống logistics một cách đồng bộ, tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp đơn vị liên quan về logistics,... Kiến nghị cấp trên cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và chỉ đạo để phát triển hệ thống logistics, góp phần kết nối, thúc đẩy giao thương hàng hóa./.
Thời gian qua, Cảng Quốc tế Long An luôn đầu tư, nâng cấp để bảo đảm vừa xây dựng, vừa khai thác, đáp ứng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo là tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 tấn. Cảng quy hoạch mở rộng thành 8 bến cầu cảng và 1 cầu cảng chuyên dụng phục vụ khai thác hàng lỏng cùng với 3 bến phao neo đậu tàu,... Hiện nay, cảng tập trung triển khai xây dựng và chuẩn bị cho kế hoạch lắp đặt các thiết bị cẩu hiện đại, tiên tiến nhất nhập khẩu từ Nhật Bản, mục tiêu là sẽ hoàn thành vào năm 2023. Hy vọng, tỉnh trở thành trung tâm logistics quan trọng trong vùng, đơn vị đề xuất xây dựng tàu buýt container với bến đỗ là Cảng Quốc tế Long An. Từ cảng sẽ có các xà lan, các chuyến tàu liên kết mật thiết với các cảng khác trong khu vực để vận chuyển hàng hóa trong các container tập trung về bến cuối là Cảng Quốc tế Long An và từ đó tiếp tục lưu thông với quốc tế. Khi đó, không chỉ sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp so với đường bộ mà còn có thể vận chuyển được các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ,... mà đường bộ khó đáp ứng”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group - Võ Quốc Thắng
|
Long An có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải. Là doanh nghiệp chuyên mặt hàng nông sản (gạo) xuất khẩu, chiếm khoảng 80% nên đơn vị rất quan tâm đến hệ thống hạ tầng, hệ thống logistics trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn về vấn đề logistics, các dịch vụ liên quan cũng còn nhiều hạn chế nhất định. Tỉnh cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, hình thành chuỗi liên kết giao thương,... Về phía doanh nghiệp, đơn vị chủ động thích ứng phù hợp với diễn tiến của thị trường, có giải pháp phù hợp nhất để doanh nghiệp duy trì hoạt động, bảo đảm sản xuất, kinh doanh và quyền, lợi của người lao động.
Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quang Hòa
|
Sơn Quê