Tiếng Việt | English

12/11/2024 - 08:58

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tập trung thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng tầm giá trị các loại nông sản chủ lực.

Khai thác thế mạnh vùng đất gò cao, nhiều nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả, trong đó bưởi da xanh được đánh giá là một trong những loại cây thích hợp, phát triển tốt và mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Từ lợi thế này, ngành chức năng huyện định hướng phát triển bưởi da xanh trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đến nay, huyện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là bưởi da xanh.

Sản phẩm bưởi da xanh của hộ kinh doanh Võ Văn Lâm (ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Đầu năm 2024, ông Võ Văn Lâm (ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng) đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP bưởi da xanh. Từ đó, ông tập trung cải tiến quy trình và áp dụng công nghệ vào sản xuất; đồng thời, chú trọng sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, bảo đảm sản phẩm chất lượng, an toàn. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sản phẩm bưởi da xanh của ông được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Võ Văn Lâm cho biết: “Vườn bưởi của tôi có diện tích 4ha và được hơn 5 năm tuổi. Tôi nhận thấy xây dựng sản phẩm OCOP rất cần thiết, đặc biệt hiện nay, người tiêu dùng có yêu cầu cao về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cách tôi khẳng định thương hiệu và tăng tính cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm bưởi”.

Bên cạnh bưởi da xanh, các sản phẩm khô cá lóc, cá chốt, cá trê của hộ kinh doanh chế biến khô, mắm Tư Chủng (xã Khánh Hưng) cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là kết quả của quá trình thay đổi tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ của nông dân, chuyển dần từ sản phẩm chế biến thô, thủ công sang các sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng và có độ nhận diện cao.

Công nhân của hộ kinh doanh chế biến khô, mắm Tư Chủng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) phơi khô cá chốt

Chủ hộ kinh doanh chế biến khô, mắm Tư Chủng (xã Khánh Hưng) - Võ Thị Mai cho biết: “Đạt thành quả như hôm nay, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, nhất là hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật quy trình sản xuất khô theo chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử,... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và phối hợp chính quyền địa phương tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP của mình”.

Chương trình OCOP góp phần thực hiện các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập người dân của Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, sau thời gian triển khai, Chương trình OCOP ở huyện Vĩnh Hưng thu hút các chủ thể tham gia, phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng. Đến nay, huyện Vĩnh Hưng có 10 sản phẩm của 7 chủ thể được xếp hạng OCOP 3 sao. Thời gian tới, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP gắn với nâng chất Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM.

Chương trình OCOP ở huyện Vĩnh Hưng đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với thị trường mới tiềm năng. Trong quá trình thực hiện, chương trình đã thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tạo sức bật mới khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm của các chủ thể trên thị trường.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong thông tin: Thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm đã được công nhận, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng hữu cơ, khuyến khích các chủ thể chủ động xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và phát triển bền vững./.

Phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã

Phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã 

Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Công ty yến sào Khánh Hòa