Du khách đến tham quan, chụp ảnh tại điểm tham quan vườn quýt hồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Là vùng kinh tế rộng lớn cùng với thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế biển, Đồng bằng sông Cửu Long còn là một trong những vùng trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, phát triển du lịch đồng bằng trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Vì vậy, tăng cường thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, tạo sức bật mới cho toàn vùng.
Tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư
Đề cập về thế mạnh đầu tư phát phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ khẳng định cụm ngành du lịch của vùng rất giàu tiềm năng nhờ những thế mạnh tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, đa dạng sông núi, rừng biển, đa dạng thảm động, thực vật, nền văn hóa phong phú, khí hậu ôn hòa và vị trí địa lý thuận tiện.
Từ góc độ cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay trong giai đoạn 2021-2025, một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Đồng Tháp là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với các ngành nghề truyền thống và đặc sản của địa phương, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Tỉnh đã ban hành danh mục gồm 13 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch từ nay đến năm 2025.
Có những dự án như: Khu nghỉ dưỡng ven sông Tiền (phường 6, thành phố Cao Lãnh), quy mô 38,13 ha, hình thành khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cửa ngõ vào thành phố Cao Lãnh; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bãi bồi Tân Thuận Đông cồn Tân Phát (xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh) khoảng 21ha với mục tiêu hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trọng điểm, kết nối vào các tuyến du lịch chung của tỉnh, phát triển du lịch, thương mại dịch vụ địa phương.
Hoặc dự án Khu đô thị dịch vụ du lịch vui chơi giải trí Tân Lợi (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc) quy mô 66ha nhằm hình thành khu du lịch, vui chơi giải trí kết hợp nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về hoa kiểng...
Tương tự, Long An - địa phương cửa ngõ đồng bằng châu thổ, có hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười và con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây hữu tình, đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở hướng đi mới cho du lịch ở địa phương trong giai đoạn 2021-2025.
Tại Tuần Văn hóa-Du lịch Long An lần đầu tiên được tổ chức vào trung tuần tháng Chín, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được thông tin địa phương tập trung thực hiện các dự án đầu tư, phát triển mạnh 3 mô hình du lịch.
Đó là phát triển làng nghề trồng mai Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) gắn với du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển cây chanh ở huyện Bến Lức, phát triển Khu du lịch sinh thái kết hợp chữa bệnh vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng hành, phối hợp với chuyên gia, doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương áp dụng mô hình, sớm xây dựng một đề án bài bản về các sản phẩm du lịch cần thực hiện.
Hậu Giang, địa phương ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, cũng đang tăng cường quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư vào du lịch. Tỉnh đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế của địa phương.
Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang diễn ra vào trung tuần tháng Bảy vừa qua, tỉnh kêu gọi đầu tư 76 dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Trong số đó có những dự án du lịch tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp), khu du lịch Hồ Sen (thành phố Vị Thanh), khu du lịch Căn cứ Thị ủy Vị Thanh, du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị (thị xã Long Mỹ), làng du lịch sinh thái-văn hóa Tầm Vu (huyện Châu Thành A).
Gia tăng lợi thế cạnh tranh
Theo đại diện nhiều địa phương, một trong những yếu tố căn bản để tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đầu tư phát triển du lịch, là phải đầu tư mạnh cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư cũng như đón các dòng du khách.
Vì vậy, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt đề cập rõ đến việc phát triển hạ tầng giao thông, được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển, tăng lợi thế mang tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, kết nối liên vùng và quốc tế; chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, tại vùng này đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Song song với hoàn thiện kết cấu hạ tầng, để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng sức hút đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có du lịch, nhiều địa phương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, mang lại thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, chỉ số năng lực cạnh trang cấp tỉnh năm 2021 của tỉnh xếp thứ 3 cả nước, nối dài kết quả 14 năm liên tục Đồng Tháp ở nhóm 5 và năm thứ 8 liên tục nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Điều này khẳng định lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu từng sở, ngành, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư so với quy định.
Các đơn vị rà soát, đề xuất các giải pháp, quy trình nhằm duy trì, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin dữ liệu đất đai trên nền bản đồ số, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai, công khai bảng giá đất; cập nhật, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm để giới thiệu, thu hút đầu tư.
Tàu du lịch Xà No ở Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Với tỉnh Hậu Giang, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, tỉnh cam kết đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp đến đầu tư theo phương châm “2 nhanh và 3 tốt." Đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư và cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt.
Đặt mục tiêu sẽ nằm trong tốp 3 các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang định hướng phát triển, thu hút đầu tư, gia tăng lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2021-2030 với quan điểm phát triển “nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ và ngũ trọng tâm."
Trong số đó, tỉnh phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm công nghiệp và đô thị, khai thác 2 tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối với các tỉnh khu vực Nam sông Hậu, nâng tầm 3 đô thị là Vị Thanh, Ngã Bảy và Long Mỹ.
Hậu Giang tập trung phát triển các lĩnh vực trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, với các trọng tâm cần thực hiện là hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính-ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng, phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân./.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)