Tiếng Việt | English

08/05/2019 - 16:32

Phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: GDP quý 1 ước đạt 6,79%

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019.

(Nguồn: TTXVN)

Sáng 08/5, tại Nhà Quốc hội, sau phiên khai mạc Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

GDP quý 1/2019 tăng khá

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý 1 các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Nổi bật trong khu vực nông, lâm, thủy sản là dịch tả lợn châu Phi - khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Sản lượng tiêu thụ và giá thịt lợn giảm trong những tháng đầu năm…

Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và kinh tế-xã hội trong nước trong bốn tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định tinh thần kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đề ra, nhất là bốn trọng tâm và tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể như tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sáu tháng và cả năm 2019; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra...

Hoàn thiện các báo cáo để trình ra Quốc hội

Toàn cảnh lễ khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 tương đối toàn diện; đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc đạt được các kết quả này, làm rõ những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và những yếu tố tích cực có tính chất dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế-xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo.

Có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch với lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục (đạt gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế) đối với tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước để có những kinh nghiệm, bài học tốt góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Chính phủ tiếp tục phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu nêu trong báo cáo, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế theo Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, còn yếu tố thiếu bền vững; cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 75,8% dự toán dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn; số lượng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 diễn biến tốt hơn so với báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội.

Kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ có nhiều đổi mới. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã tốt hơn.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên sau hai năm thu ngân sách Trung ương đã vượt 33,3 nghìn tỷ đồng, bội chi giảm, dư nợ công bằng 58,4% GDP. Cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, có nhiều chuyển biến. Có thể nói kinh tế vĩ mô đã ổn định.

Văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế, lao động việc làm, an sinh xã hội cũng đạt những kết quả hết sức tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, kinh tế quốc tế đạt được những thành tựu quan trọng. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên rõ rệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2018, cũng như cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng với năm 2018, trong những tháng đầu năm 2019 tình hình có những chuyển biến tốt mặc dù gặp một số khó khăn nhưng Chính phủ đã triển khai sớm các nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với các giải pháp cũng như với tám nhóm vấn đề tồn tại hạn chế mà Chính phủ đã nêu và những vấn đề mà Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài Chính-Ngân sách của Quốc hội đã nêu trong báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong các báo cáo về giải pháp cần chú trọng và nêu cao hơn nữa chất lượng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, vấn đề cổ phần hóa nhà nước; tăng cường kỷ luật tài chính đối với tất cả các lĩnh vực kể cả thu ngân sách, chi ngân sách, cương quyết giảm bội chi và nợ công.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến đẩy mạnh việc giải ngân, nhất là đối với hai công trình trọng điểm quốc gia là sân bay Long Thành và tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông; tiếp tục xử lý tốt các khoản nợ xấu, kiên trì xử lý để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng hơn vấn đề lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động và làm tốt công tác an sinh xã hội; chú trọng công tác văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là ở vùng như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; hết sức chú ý đến khoa học công nghệ; đẩy mạnh quản lý xã hội, nhất là những vụ việc do người dùng ma túy, rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, vấn đề bạo lực học đường, buôn bán ma túy, xâm hại trẻ em...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn liên quan đến những văn bản hướng dẫn, nhất là những nghị định liên quan đến Luật Quy hoạch. Trong trường hợp gặp khó khăn, Chính phủ cần báo cáo Thường vụ Quốc hội để xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, bổ sung trong các báo cáo những vấn đề như thu hút và quản lý vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), tình trạng lãi thật lỗ giả, chuyển giá; vấn đề công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các hoạt động liên doanh liên kết trong nước để phát triển mạnh nền công nghiệp trong nước; cần đánh giá sâu hơn vấn đề nông nghiệp, những rủi ro trong nông nghiệp, nhất là trong sản xuất tiêu thụ cà phê, lúa thời gian qua; tập trung đánh giá thêm, đánh giá sâu hơn vấn đề quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý những tồn tại sai phạm…

Với cách làm mới, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ tập trung thảo luận chủ yếu những nội dung và giải pháp thực hiện cho năm 2019, có xem xét năm 2018. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong các báo cáo cần cân đối giữa kinh tế với xã hội, giữa ưu điểm và hạn chế, chỉ rõ ra những giải pháp cụ thể.

Trên tinh thần đó, các cơ quan hữu quan điều chỉnh những nội dung đã nêu để các báo cáo đủ điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; xem xét việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới sáu tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp ba tàu đã qua sử dụng do Nhật Bản viện trợ theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết