Tiếng Việt | English

09/08/2020 - 12:01

Phố cũ một màu xanh

Minh họa: Như Ý

Minh họa: Như Ý

Dỡ lớp bụi thời gian, mình thấy trong lòng có một vùng xanh, dành riêng cho Phố. Nho nhỏ thôi, nằm bên ngã ba sông. Đứng nhìn về phía đồng sẽ thấy ở xa xa là núi. Phố bốn mùa đều xanh. Những bàn tay đan vào nhau như những chiếc lá với cành… Tượng con cá ba sa quẫy mình vút bay lên bầu trời xanh thẳm. Chỗ đó bạn gọi là nơi cá bay, có quán bánh xèo chay ngon tuyệt. Lần nào về Phố, mình cũng kéo nhau ra đó, vừa ăn, vừa nhìn về phía cầu Cồn Tiên. Dù con nước lớn hay ròng, sông đều mang những ý nghĩa mênh mông, mà lúc nào cũng đẹp. Bạn nói, mình hãy sống như sông, nước có khi lớn khi ròng, nhưng lúc nào cũng ngẩng cao đầu đi về biển lớn, để con nước được mênh mông, mênh mông… Lúc đó mình vẫn thầm mong tất cả những cuộc ra đi trong chúng ta đều là tìm về biển lớn…

Cuộc ra đi của mình diễn ra lặng lẽ. Hình như mớ hành trang ký ức Phố vẫn vẹn nguyên vẻ cổ kính trầm tư, vẫn một màu xanh mang nhiều ý niệm. Mình đặt lại Phố một phần tuổi trẻ và những dự định ngổn ngang. Ngắm nhìn rất lâu bước chân ngoài cổng Phố, mình thấy dấu vết nào cũng thăm thẳm. Mưa nắng phôi pha vẫn không thể nào nhòa được. Cứ nhìn cổng chào của Phố, rồi nhắm mắt lại là thấy dấu chân người.

Mình rời Phố thật nhanh, cứ tưởng nơi ấy trong lòng sẽ úa vàng một vùng biên thùy nắng cháy, đanh khô… Khuất lấp và mất đi như chuyện bạn kể về chiếc tàu sắt chìm trong lòng sông chín mươi bốn năm, tan mất…

Chuyến xe có mười phút dừng chân trước khi đi ngang qua Phố. Mình bỏ lửng hành trình giang hồ, e dè bước qua cổng chào của Phố như đi vào một ngôi nhà xa lạ. Bạn như chờ sẵn từ lâu, chào bằng câu hỏi, có còn sở thích ngồi trốn nắng, trú mưa và chờ gió ở đường Cử Trị? Lúc đó mình không có cách nào làm ra vẻ dửng dưng, khi hàng cây ven đường, những quán cơm tấm đêm bỗng dưng như hạt mầm nằm lâu trong vùng ký ức, gặp lúc mưa tan thì xanh mướt đâm chồi.

Hạt nhớ đầu tiên tách vỏ trong lòng mang con số 76. Mình hay gọi đó là nhà, nhưng thật ra đó là quán cơm tấm đêm, dĩa cơm cuối cùng thường bán xong lúc mười một giờ ba mươi phút tối. Quán cơm có ông già tóc bạc, hay ngồi quạt gió đốt than. Lần nào gặp, ông cũng chào bằng câu: “Không ăn ớt, há?”. Câu nói làm cơn mưa dầm giữa đêm khô đi một nửa. Cảm giác “nhà” chợt ùa về, bao quanh, như khói than đước ấy cũng là khói cơm chiều. Mình như đứa trẻ rong chơi mắc mưa, chạy về nhà ùa vào lòng bếp, hơ mình trong lời rầy nhỏ nhẹ của mẹ mà thấy khói cơm ấm nóng ở trong lòng…

Bạn hỏi, có còn thích ăn bao tử cá ba sa? Mình thấy con đường Thủ Khoa hiện ra với những bước chân đi, về không đếm xuể. Có một đêm mưa, hai đứa ngồi nhai bao tử cá, ước gì bốn chục năm sau còn răng, chỉ để làm một điều duy nhất, nhai bao tử cá… Vừa nhai, vừa nghe mằn mặn ở bờ môi, khi giật mình xem đồng hồ, đêm đã trôi đi gần hết. Người cũng trôi đi hết, chẳng còn ai đọng lại phố lúc này… Dường như có điều gì đó rất giống nhau giữa người và Phố, một chút bùi ngùi, im lặng. Trôi…

Mình chia tay… Từ đó Phố mất đi một nửa, phần còn lại là những ký ức rải ở ven đường. Đây vòng xoay, đi thêm hai ngã tư nữa sẽ thấy bụi cám bay. Tiếng nhà máy xay lúa đánh dấu cho tiếng thắng xe ngay ngạch cửa. Tới nhà!

Bây giờ thì không còn là nhà mình nữa. Mà là một nơi mình từng đi qua. Hàng bông giấy định trồng cho thành vòm cung ngang đường, giờ xơ xác mấy bầy hoa gió, bay bay. Mỗi lần đi ngang, thấy nơi ấy muôn vàn cánh lá trăng trắng lung lay, không sao nắm níu ngày xanh lại được.

Bạn nhắc, giận hờn chi mà rời đi vậy? Chợt giật mình, nghe lòng phân bua: “Không phải vậy! Phố vẫn vẹn nguyên trong lòng, mãi mãi vẹn nguyên”. Chỉ một ngày mình không còn đủ hơi ấm để giữ lấy một người, mà cảm giác rằng Phố buồn quá đỗi. Chỗ tránh nắng thì nắng đã gắt hơn, chỗ trú mưa thì mưa giờ lại dột. Chỉ quán cơm là còn đó, như xưa, nhưng quán cơm thì ăn thua gì. Vậy là để Phố qua bên…

Tuổi trẻ mang theo nhiều ý nghĩa, kể cả những chuyến đi, rời bỏ nơi mình xem là thân thuộc, phải chăng cũng mang một ý nghĩa thầm kín nào đó, cất giấu vào chiếc hộp ký ức diệu kỳ. Mình nghĩ là vậy ngay lúc ra đi. Có chút lạnh lùng khi nhìn vào Phố. Nhưng một ngày chợt thấy trong đáy mắt, những đám mây trên Học Lĩnh Sơn nhấp nhô, những hàng hoa giấy ven đường nở rộ, hay những cơn mưa bất chợt trong lòng Phố, làm mình thèm cảm giác thân quen, nép vào hàng cây ven đường Thủ Khoa, ngồi chờ chiều tan bên ngã ba sông lộng gió… Lúc đó mình đang ở một nơi xa, mà như ở kề bên, nơi mình có thể cất tiếng gọi thân quen như gọi người bạn thân lâu rồi không gặp: Ơi Phố!

Ba năm, nhìn mớ vụng dại đâm chồi nảy lộc ra hoa, nhìn ký ức gầy guộc như thành cây xương rồng vẫn sống xanh trong những ngày nắng đốt. Chợt nhớ rằng bạn cũng từng làm thơ, ngân lên vu vơ mà lòng thì ứ tràn nỗi niềm mang tên Phố:

Người đi mang gió theo cùng. 
Chỉ riêng lòng Phố mông lung rất hiền.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết