Tiếng Việt | English

26/03/2023 - 14:22

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái làm việc về xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam

Ngày 26/3, tại Long An, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái có cuộc làm việc với các đơn vị liên quan về dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Dự cuộc làm việc có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm, lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo huyện Thạnh Hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất các phuơng án xử lý theo đúng trình tự pháp luật trên tinh thần chấm dứt dự án

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thuộc xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có diện tích trên 45ha. Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỉ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11/2007, TRACODI điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỉ đồng.

Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO). Tổng số vốn TRACODI đã thực hiện đầu tư vào dự án là trên 2.000 tỉ đồng. Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. VINAPACO tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỉ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái (chính giữa, hàng đầu) đi khảo sát thực tế tại dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, huyện Thạnh Hóa

VINAPACO cũng nhiều lần đàm phán để ký lại hợp đồng chạy thử với Nhà thầu ANDRITZ nhưng phía ANDRITZ không cam kết bảo đảm kết quả chạy thử ra được sản phẩm cuối cùng vì nghĩa vụ của nhà thầu với hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ kỹ thuật ký với TRACODI đã hết. Sau khi xem xét, đánh giá toàn diện hiện trạng dự án, các bộ, ngành và đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương nhận thấy dự án đã không đạt được mục tiêu, việc đưa nhà máy vào vận hành không khả thi và đề xuất với Chính phủ cho phép dừng dự án.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư dự án, đồng thời giao Bộ Công Thương xây dựng phương án xử lý đối với dự án như thanh lý, nhượng bán,...

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành và đơn vị đầu tư cho hay, đây là dự án của doanh nghiệp Nhà nước, qua rất nhiều giai đoạn pháp lý khác nhau và gặp nhiều khó khăn. Đến nay, các yếu tố để duy trì dự án vận hành đều không khả thi mà bán thanh lý toàn bộ dây chuyền cũng không thể. Vì vậy, cần cân nhắc các giải pháp đấu giá theo cụm thiết bị hoặc thanh lý. Việc xử lý dự án phải dựa trên cơ sở của pháp luật trong đó phải làm rõ các khoản nợ, phương án xử lý nợ, phương án xử lý tài sản trên đất và đất đai,…

Đại biểu dự cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, vì dự án bị đình trệ quá lâu, kéo dài gần 20 năm. Trong khi đó, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh cũng nhiều lần tháo gỡ khó khăn, song dự án cũng không thể đưa vào hoạt động vì công nghệ sản xuất không phù hợp với nguyên liệu, vùng quy hoạch nguyên liệu không còn; tính toán chi phí đầu vào và sản phẩm đầu ra đều không hiệu quả; lãng phí đất đai trong thời gian dài gây bức xúc của người dân trong vùng dự án,… Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Chính trị nên chấm dứt để xử lý dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương - Lê Minh Khái cho rằng, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được khởi công xây dựng cách đây gần 20 năm. Đây là 1 trong 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương trong thời gian qua. Việc xử lý chậm trễ dự án này gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, có các giải pháp cụ thể theo đúng thẩm quyền để đề xuất phương án cuối cùng trên tinh thần khả thi. Trên tinh thần chấm dứt dự án, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiến hành xử lý tài sản và đất đai có liên quan, xử lý nợ,… theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như địa phương tổng hợp trước ngày 15/4/2023, đề xuất báo cáo Ban Chỉ đạo để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Trước đó, đoàn cũng có cuộc khảo sát thực tế tại dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam./.

Thanh Nga - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích