Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chiều 26/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 150.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách nhà nước hơn 8.700 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo nhận định tình hình buôn lậu hàng giả, hàng nhái tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, điện lạnh, quần áo…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, các kết quả tuy lớn nhưng chưa tương xứng, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn để lọt, chưa phát hiện nhiều vụ buôn lậu; văn bản tham mưu về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chậm.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần cương quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực và phải dựa vào dân để làm tốt việc này.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình tại các địa bàn trọng điểm, ít người qua lại; Huy động các lực lượng chức năng với tinh thần kiên quyết, công khai minh bạch, không bao che hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại của các cơ sở, đơn vị kinh doanh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục triển khai nghị quyết 41 đồng bộ, cụ thể và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng ở ngành và địa phương; rà soát lại các công việc mà Ban chỉ đạo 389 hay chính phủ giao để triển khai mạnh mẹ trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan chủ động đề xuất những cơ chế chính sách tiếp tục trong lĩnh vực này.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra những hành vi, gian lận thương mại trên diện rộng; Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương../.
Q.V/Vietnam+