Tiếng Việt | English

16/06/2023 - 08:00

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người. Với vị trí và tầm quan trọng của gia đình, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam; từ năm 2016, tháng 6 hàng năm được chọn là “Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ)” nhằm kêu gọi và đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương trong việc chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tại Long An, những năm qua, công tác phòng, chống BLGĐ được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ BLGĐ, có 7 vụ ghi nhận nạn nhân dưới 16 tuổi. Năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 77 vụ BLGĐ, không có nạn nhân là trẻ em. Năm 2021, toàn tỉnh chỉ xảy ra 34 vụ BLGĐ. Mặc dù số vụ việc BLGĐ được phát hiện có chiều hướng giảm qua từng năm nhưng theo một số ngành chức năng đó chỉ là “bề nổi” vì nhiều trường hợp nạn nhân che giấu, không dám khai báo hoặc tố cáo khi bị bạo hành.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở cấp độ toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người phải đối mặt với bạo lực về thân thể hoặc tình dục. Hầu hết các vụ bạo lực đối với phụ nữ do bạn trai, người chồng hiện tại hoặc chồng cũ gây ra.

Ở Việt Nam, BLGĐ cũng đang là vấn đề nhức nhối, nan giải, với những hành vi có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.

Tuy nhiên, các kết quả trên chỉ là con số thống kê khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, còn thực tế, số vụ BLGĐ vẫn diễn ra hàng ngày, ở nhiều nơi, với nhiều mức độ khác nhau.

BLGĐ là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Tình trạng BLGĐ vẫn xảy ra hàng ngày, có xu hướng ngày càng phức tạp, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Luật Phòng, chống BLGĐ số 13/2022/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 14/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về công tác phòng, chống BLGĐ.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) trên quy mô toàn tỉnh nhằm tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các hoạt động tổ chức đồng hành cùng với công tác truyền thông phòng, chống BLGĐ để tạo chuỗi sự kiện truyền thông về gia đình và phòng, chống BLGĐ trong tháng 6/2023. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền với chủ đề truyền thông trong Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2023 là “Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình”.

BLGĐ không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội. Vì vậy, chung tay phòng, chống BLGĐ; giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp; xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là trách nhiệm của mỗi người và của toàn xã hội./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết