Sáng ngày 03/01, tại TP. Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị “Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2019-2020”.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Long An, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Chí Thiện.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng thời gian mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường nêu những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của hạn, mặn
Hiện nay, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ ngày 11-13/12/2019, ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km trên sông Hàm Luông, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17 km. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên Môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016.
Theo tính toán Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao trong kỳ triều cường, nếu xuất hiện kết hợp gió từ phía Đông mạnh, có thể tăng đột biến trong thời gian ngắn. Mức độ xâm nhập mặn có thể thay đổi, tùy thuộc vào việc xả nước của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng trao đổi cùng lãnh đạo các địa phương về công tác phòng, chống hạn, mặn bên lề hội nghị
Bên cạnh đó, vùng dự kiến ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tương tự năm 2015-2016, tác động đến 10/13 tỉnh ĐBSCL bao gồm: Long An (8/15 đơn vị), Tiền Giang (8/11 đơn vị), Bến Tre (9/9 đơn vị), Trà Vinh (8/8 đơn vị), Vĩnh Long (4/8 đơn vị), Sóc Trăng (7/11 đơn vị), Bạc Liêu (7/7 đơn vị), Hậu Giang (4/8 đơn vị), Cà Mau (9/9 đơn vị) và Kiên Giang (10/15 đơn vị).
Mặc dù xâm nhập mặn năm 2019-2020 có thể ở mức tương đương năm 2015-2016 nhưng khả năng gây thiệt hại của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa năm 2019-2020 sẽ giảm thiểu đáng kể do được cảnh báo sớm, nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp; ngoài ra, các công trình thủy lợi mới được đầu tư đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn.
Đối với cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 136.000 ha, bằng 39,1 % tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng. Riêng Long An, có khoảng 12.900 ha có khả năng chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn còn tác động đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Trước ảnh hưởng của hạn, mặn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn liên tục từ tháng 6/2019 để chủ động chỉ đạo các giải pháp ứng phó. Trong đó, chủ động thời vụ hợp lý, chuyển đổi khung thời vụ, khuyến cáo sử dụng các giống tốt, năng suất cao, chịu hạn, mặn tốt vừa bảo đảm yếu tố kinh tế và giảm nguy cơ thiếu nước cuối vụ. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai nhiều giải pháp công trình để chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn.
Một số sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện 13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia thảo luận với nhiều ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng như đề xuất những kiến nghị, giải pháp đến Bộ NN&PTNT, Chính phủ để chủ động và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành liên quan để tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2019-2020; chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động thích ứng với hạn, mặn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương cần thực hiện chăm lo cuộc sống người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; các cấp chính quyền địa phương cần chủ động có giải pháp cung cấp nước cho người dân, nơi nào để xảy ra thiếu nước, lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Trường hợp cấp bách, phải sử dụng phương tiện để cung cấp nước cho người dân. Đối với nông nghiệp, cần tập trung cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cần chủ động phối hợp với từng địa phương nghiên cứu, điều chỉnh mùa vụ, giống cây trồng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tập trung gia cố hệ thống đê bao, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nạo vét các hệ thống kênh mương, tích nước ngọt phục vụ sản xuất. Đối với các giải pháp công trình cần được thực hiện theo đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phát huy việc hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, cùng kiểm soát, sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất. Riêng Bộ Tài nguyên Môi trường cần nâng chất lượng công tác dự báo, dự báo chính xác tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, giúp các địa phương trong vùng chủ động, thực hiện hiệu quả việc phòng, chống hạn mặn.
Về lâu dài, khu vực ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.
Kiên Định