Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trên Vịnh Hạ Long hiện có nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như tham quan, lưu trú, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, mua bán hải sản, bán hàng lưu niệm, chèo đò, chèo thuyền kayak... nhưng hầu hết các dịch vụ này đều tự phát, việc quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế phát sinh.
Vì vậy, tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long của một số đơn vị còn lộn xộn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Những bất cập trong quản lý
Từ giữa năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất việc di dời hơn 300 hộ dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn bám biển để mưu sinh nhờ việc nuôi trồng và kinh doanh hải sản. Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tính đến nay có khoảng 30 nhà bè ở khu vực Ba Hang và Hoa Cương, tổ chức nuôi trồng và kinh doanh hải sản, không thuộc diện được cấp nhà tái định cư.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Các hoạt động kinh doanh hải sản tại Ba Hang, Hoa Cương hiện nay còn chưa theo quy hoạch.
Nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động tự phát, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, chưa tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và thiếu sự hợp tác với các cơ quan chức năng, vi phạm quy định về môi trường kinh doanh du lịch. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Nguyễn Trung Thành, cán bộ Quản lý thị trường tỉnh cho biết các hoạt động kinh doanh mua bán hải sản tại các bè nuôi trên Vịnh Hạ Long khá lộn xộn. Hầu hết các hộ này không có giấy phép kinh doanh, hoặc số ít có giấy phép kinh doanh nhưng lại kinh doanh sai địa điểm cấp phép.
Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã có quy định cấm các tàu du lịch tổ chức đưa, đón khách lên các nhà bề nuôi trồng hải sản để thăm quan, mua bán, song do nhu cầu của khách du lịch nên một số tàu vẫn cập bè cho khách lên bè nuôi.
Về dịch vụ chèo thuyền kayak cũng có nhiều bất cập. Đó là, kayak là phương tiện chèo tay loại nhỏ, chưa có quy định về quản lý cụ thể đối với loại hình dịch vụ này, do vậy việc cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ này trên Vịnh hiện chưa theo trật tự và có nguy có mất an toàn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh làm dịch vụ chèo thuyền, chèo xuồng cao tốc đưa khách tham quan Vịnh, cho thuê kayak có điểm cặp tàu du lịch không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép về vị trí neo đậu, đón trả khách...
Chấn chỉnh trong quản lý, xã hội hóa trong đầu tư
Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trong đợt kiểm tra cao điểm hồi tháng 2/2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đã triển khai xử lý cưỡng chế và di dời đối với những nhà bè nuôi, kinh doanh hải sản, kinh doanh dịch vụ chèo kayak neo đậu trái phép tại các khu vực Hoa Cương, Sửng Sốt, Cửa Vạn, Vung Viêng. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 25 nhà bè, tháo dỡ mái tôn hiên 17 nhà bè để chờ cấp phép nuôi trồng hải sản...
Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương cho biết, rà soát, sắp xếp lại mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh là mục tiêu lớn nhất trong năm 2015 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Theo bà Dương, trong thời gian qua, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long hình thành và phát triển do xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn có hoạt động của một số doanh nghiệp chưa đi vào nề nếp, khách du lịch còn phản hồi chưa tốt về chất lượng dịch vụ hay giá cả...
Công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh liên quan đến nhiều ngành, địa phương khác nhau. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần vào cuộc, phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, tích cực để đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng thương hiệu du lịch cho Vịnh Hạ Long.
Trước mắt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang xây dựng phương án quản lý đối với các loại hình nuôi - mua bán hải sản, chèo kayak và dịch vụ chèo đò trên Vịnh. Đồng thời tiến hành các bước xây dựng quy hoạch các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, trong đó xác định các khu vực, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ trên Vịnh.
Chị Lê Thị Luyến, hộ nuôi trồng hải sản trên Vịnh Hạ Long từ những năm 2000, chuyển bè nuôi từ vụng Ba Hang về vụng Hoa Cương từ đầu năm 2015 mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài và cấp giấy phép nuôi trồng cho các hộ.
Chị Luyến cam đoan sẽ chấp hành mọi nghĩa vụ như đóng thuế, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như các chính sách về hoạt động kinh doanh doanh hải sản khác của Nhà nước.
Trước những nhu cầu chính đáng về nuôi trồng và kinh doanh hải sản như hiện nay, Ban Quản lý Vịnh đã đưa ra phương án: sắp xếp một điểm mua bán hải sản tại khu vực Cặp Táo trên Vịnh Hạ Long và di chuyển 8 đơn vị, hộ kinh doanh hải sản đã có giấy phép kinh doanh hiện đang neo đậu bè tại Hoa Cương về điểm này. Đối với những nhà bè không có giấy phép kinh doanh sẽ cương quyết cưỡng chế di dời.
Về lâu dài, Quảng Ninh dự kiến sẽ lựa chọn một đơn vị có đủ năng lực để quản lý hoạt động này theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Riêng với bè nuôi hải sản sẽ bố trí tại một số điểm và giới hạn tối đa số lượng bè nuôi tại mỗi điểm.
Cụ thể ở khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng bố trí mỗi điểm có 10 bè, kết hợp với mô hình làng chài để làm công tác bảo tồn văn hóa làng chài trên Vịnh; khu vực Cống Tàu bố trí 20 bè nuôi.
Về các dịch vụ vận chuyển khách tham quan bằng đò chèo tay trên Vịnh, tới đây Ban Quản lý Vịnh sẽ áp dụng hình thức đầu tư hợp tác công-tư. Tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn được đơn vị có đủ năng lực cung cấp dịch vụ này một cách tốt nhất, an toàn nhất cho khách du lịch. Đối với các đơn vị không được lựa chọn sẽ bị cưỡng chế, giải tỏa.
Bên cạnh đó một số loại hình dịch vụ môtô nước, vận chuyển khách bằng xuồng cao tốc trong vùng lõi di sản sẽ không được kinh doanh hoặc bị hạn chế và giám sát nghiêm ngặt.
Quảng Ninh đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư nhiều dự án mang tính đột phá để tạo ra các sản phẩm du lịch cho tỉnh. Tỉnh đã chủ động thực hiện xã hội hóa các điểm dịch vụ trên Vịnh Hạ Long theo hình thức hợp tác công-tư để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Mới đây, tỉnh đã giao cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác tổ chức các dịch vụ du lịch tại hai đảo Soi Sim và Ti Top, với điều kiện các doanh nghiệp phải tiến hành đầu tư ngay các hạng mục mà tỉnh yêu cầu, thực hiện ký quỹ và triển khai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Khi khách đến tham quan tại hai đảo này sẽ được sử dụng bãi tắm miễn phí và du khách chỉ phải trả tiền theo giá Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định khi sử dụng dịch vụ.
Đối với Trung tâm văn hóa Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh sẽ chuyển hướng theo mô hình hợp tác công-tư, toàn bộ phần sửa chữa, đầu tư, tỉnh sẽ lựa chọn doanh nghiệp và giao cho doanh nghiệp đó quản lý, khai thác./.
VĂN ĐỨC (TTXVN/VIETNAM+)