Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 21:04

Quốc Tử Giám phương Nam

Ngoài khung cảnh miền Tây mộc mạc, yên bình, đến với vùng đất Vĩnh Long, du khách còn được tham quan kiến trúc cổ nổi tiếng xứ Nam kỳ - Văn Thánh miếu, nơi được ví là Quốc Tử Giám phương Nam.

Hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử xây dựng Văn Thánh miếu cho du khách

Đường đến Văn Thánh miếu rất thuận tiện để kết hợp các tour, tuyến du lịch sông nước miệt vườn - “đặc sản” của vùng đất Tây Nam bộ mà Vĩnh Long cũng không ngoại lệ.

Từ trung tâm TP.Vĩnh Long, du khách theo đường Trần Phú, chạy dọc sông Long Hồ khoảng 2km là đến nơi. Văn Thánh Miếu tọa lạc trên một vùng đất khá rộng, thuộc phường 4, TP.Vĩnh Long (trước đây thuộc làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long).  

Văn Thánh miếu Vĩnh Long cùng Văn Thánh miếu Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai) và Văn Thánh miếu Gia Định (TP.HCM) là 3 Văn Thánh miếu của vùng đất Nam bộ từ thế kỷ XIX với ý nghĩa đề cao Nho giáo. Những người đặt nền móng đầu tiên cho nơi này chính là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông.

Theo văn bia của Phan Thanh Giản, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được khởi công vào năm Tự Đức thứ 17 (1864), 2 năm sau thì hoàn thành. Trên danh nghĩa đề cao Nho giáo nhưng thực chất, đây là nơi hoạt động của các bậc chí sĩ yêu nước.

Khi quân Pháp tấn công vùng đất Vĩnh Long, Phan Thanh Giản tuẫn tiết, Pháp định phá bỏ Văn Thánh miếu. Khi ấy, ông Bá hộ Trương Ngọc Lang được người dân đề cử đứng ra can ngăn nên công trình này tồn tại đến ngày nay. Cụ Phan Thanh Giản là người chủ trương xây miếu và sau khi tuẫn tiết thì được thờ tại đây, do đó, nhiều người dân Vĩnh Long còn gọi đây là Đền thờ cụ Phan Thanh Giản.

Cánh cổng tam quan dẫn lối vào Văn Thánh miếu được sơn son thếp vàng truyền thống. Sau cổng là thần đạo - con đường dẫn lối thẳng vào điện Đại Thành. Khu vực chính của Văn Thánh miếu gồm điện Đại Thành cùng 2 gian nhà ở trước sân đối diện nhau thờ Khổng Tử cùng các môn đồ. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có 2 ao sen cùng một công trình kiến trúc quan trọng là Văn Xương Các (hay còn gọi là Tụy Văn Lâu).

Văn Xương Các là nơi đọc sách và bàn luận văn chương của các vị học sĩ lúc bấy giờ, được xây dựng với kết cấu nhà rường gồm 2 tầng. Tầng trên là nơi lưu giữ sách và thờ Văn Xương Đế Quân - vị thần chủ quản việc thi cử, công danh. Tầng dưới là điện thờ cùng bài vị, câu đối ca tụng công đức của 2 chí sĩ đất Gia Định xưa: Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản, đây cũng là nơi văn nhân, thi sĩ đàm đạo, bàn luận văn chương, thế sự. Cạnh bên Văn Xương Các vẫn còn 2 khẩu thần công đại bác, được dùng bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long- nơi được ví là Quốc Tử Giám phương Nam

Có lẽ, điều ấn tượng với du khách ngay từ lần đầu tiên bước chân vào Văn Thánh miếu là không gian trầm mặc, tách biệt hoàn toàn với tiếng còi xe, khói bụi ngoài kia. Chỉ một bước chân qua cánh cổng, ta như rũ được bao phiền muộn lại phía sau, thả hồn vào sự lắng đọng, bình yên, chỉ nghe réo rắt tiếng chim sau vòm lá của hàng cây rợp bóng cùng làn gió nhẹ còn đọng vị phù sa từ sông Long Hồ thổi vào.

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Văn Thánh miếu vẫn giữ được nét tôn quý, thanh cao. Hai hàng cây cổ thụ thẳng tắp, cao vút từng chứng kiến biết bao đổi thay của thời cuộc, ẩn chứa những câu chuyện xưa, tích cũ thời ông cha ta chống quân xâm lược. Không gian trầm mặc, rêu phong nhuốm màu thời gian như níu chân du khách phương xa.

Thay cho những chuyến lên rừng, xuống biển, đến với Văn Thánh miếu để hiểu thêm về con người và văn hóa Vĩnh Long nói riêng, lịch sử khai khẩn, giữ nước của các bậc tiền hiền vùng đất phương Nam nói chung./. 

Cát Tường

Chia sẻ bài viết