Tiếng Việt | English

29/06/2022 - 16:22

Quy hoạch tỉnh phải thể hiện được tầm nhìn, khát vọng và bản sắc phát triển  

Sáng 29/6, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều chủ trì Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là Quy hoạch phải thể hiện được tầm nhìn, khát vọng và bản sắc phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của tỉnh Long An khi xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phải thể hiện được “Tầm nhìn, khát vọng và bản sắc phát triển”. Mục tiêu là hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa; nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Đến năm 2030, tỉnh Long An phải trở thành một động lực phát triển mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đề ra mục tiêu là trở thành trung tâm logistics cấp vùng, là điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM và các vùng khác, kể cả vận chuyển đi quốc tế bằng đường biển thông qua Cảng Quốc tế Long An, Cảng Hiệp Phước. Làm được điều này, Long An sẽ giúp “chia lửa” cho vùng Đông Nam bộ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm, các đồng chí nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành

Theo ông Nguyễn Văn Được, tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 của Long An là phát triển đột phá, trở thành khu vực phát triển kinh tế động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao hàng đầu trong vùng, tiếp tục duy trì vị thế tỉnh công nghiệp phát triển bền vững nhóm đầu của cả nước. Đồng thời, không ngừng củng cố các giá trị văn hóa, an ninh, môi trường và dịch vụ công; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển trong môi trường “bình yên - hạnh phúc và nhân văn”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề nghị phân tích sâu, kỹ hơn động lực tăng trưởng của tỉnh

Để thực hiện vai trò, sứ mệnh lịch sử theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và góp phần triển khai thực hiện tốt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Long An sẽ phát triển trên cơ sở hình thành 1 trung tâm chính trị - hành chính (TP.Tân An), 2 hành lang chiến lược phía Đông, phía Nam để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Song song đó, tỉnh định hướng phát triển 3 vùng đô thị (phía Đông, phía Tây, phía Bắc) và 6 trục động lực: Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM (đoạn qua tỉnh), Quốc lộ 50B (ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện sau năm 2025); trục động lực Đức Hòa - Đức Huệ, đường song song Quốc lộ 62, trục động lực Lương Hòa - Mỹ Quý Tây (đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 và hoàn thiện sau năm 2030); trục Quốc lộ N1, đoạn qua các huyện Đức Hòa - Đức Huệ - Thạnh Hóa - Mộc Hóa - Kiến Tường - Vĩnh Hưng - Tân Hưng (đầu tư hoàn thành giai đoạn sau năm 2030).

Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh - Đặng Văn Xướng đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên là lãnh đạo HĐND tỉnh qua các thời kỳ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính khoa học và thực tiễn cao vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó gợi mở nhiều vấn đề về thế mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội và định hướng phát triển của Long An trong tương lai, nhất là các vấn đề chiến lược về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết vùng, chuyển đổi số,…

Theo các đại biểu, bản quy hoạch cần đánh giá sâu kỹ hơn hiện trạng tài nguyên KT-XH của tỉnh, những lợi thế cũng như trở lực trong quá trình phát triển; phân tích động lực tăng trưởng, tầm nhìn và sứ mạng, làm rõ vị trí, vai trò của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặt khác cần quan tâm, đưa ra giải pháp, phương án phù hợp để giải quyết tốt các “bài toán” về thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư,...

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang đề nghị bổ sung nội dung phát triển kinh tế ngoại biên vào quy hoạch

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung thêm cơ sở pháp lý của quy hoạch; phân tích sâu, kỹ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh trong thời gian tới gắn với liên kết vùng và định hướng phát triển của Trung ương.

Ông mong rằng, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đồng chí nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và có nhiều sự quan tâm, đóng góp, hiến kế vào quá trình phát triển của tỉnh Long An trong thời gian tới./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết