Tiếng Việt | English

17/09/2021 - 09:04

Quyết tâm mở rộng 'vùng xanh' trở lại trạng thái bình thường mới

Sau thời gian thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch, đến nay, trên địa bàn Long An chỉ còn 3 địa phương được đánh giá ở mức nguy cơ cao gồm huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An. Các địa phương này hiện tập trung triển khai, thực hiện các biện pháp khóa chặt, kiểm soát nghiêm nhằm giữ chắc “vùng xanh”, thu hẹp “vùng vàng”, “vùng cam”, sớm đạt mục tiêu “xanh hóa” hoàn toàn địa bàn để trở lại trạng thái bình thường mới trước ngày 20/9/2021.

Nỗ lực “xanh hóa” địa bàn

Theo UBND TP.Tân An, đến ngày 15/9, số ca nhiễm trên địa bàn thành phố là 1.657 ca, đã điều trị khỏi bệnh 812 ca, tử vong 15 ca. Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, số ca nhiễm có chiều hướng giảm mạnh, các đơn vị xã, phường đang dần trở lại mức bình thường mới. Hiện thành phố có 2 địa phương ở mức nguy cơ cao, 4 địa phương ở mức nguy cơ và 8 địa phương đã đạt mức bình thường mới.

Điều đáng mừng, những ngày qua, tại 8 địa phương “vùng xanh” không phát sinh ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch của thành phố. Mặc dù đã đạt những tín hiệu tốt nhưng đến thời điểm này, TP.Tân An vẫn quyết định áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố.

Các chốt kiểm soát được duy trì để bảo đảm việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh, những ngày gần đây, tại một số địa bàn vẫn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, tại phường 2 và phường Tân Khánh xuất hiện các chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây. Trong khi đó, các đơn vị được đánh giá “vùng xanh”, “vùng vàng” và “vùng cam” lại nằm xen lẫn nhau nên khả năng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao.

“Thực tế đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố để truy vết, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng. Đây cũng là điều kiện để rà soát, đánh giá các biện pháp chống dịch hiệu quả nhằm giữ vững, mở rộng các “vùng xanh”” - Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết.

Còn tại huyện Đức Hòa, địa phương có số ca nhiễm cao nhất tỉnh với trên 12.100 ca. Dù từng là điểm nóng nhưng qua số liệu thống kê cho thấy khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm trên địa bàn huyện giảm sâu và hầu hết được xác định tại các khu cách ly, khu phong tỏa; nhiều địa phương trên địa bàn huyện được xếp vào “vùng xanh”. Với nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh, từ huyện có nguy cơ rất cao đến ngày 12/9, huyện Đức Hòa được chuyển xuống mức nguy cơ cao. Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, đạt được những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch, thời gian qua, huyện đẩy nhanh tốc độ thực hiện test nhanh, sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR một cách liên tục để phát hiện và cách ly F0 ra khỏi cộng đồng, kịp thời truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần, phong tỏa các khu vực có nguy cơ rất cao như nhà trọ, doanh nghiệp,... tập trung chủ yếu ở các xã: Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam.

Trong thực hiện Chỉ thị 16, huyện thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, khắc phục nghiêm túc tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” cũng như tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp ra đường khi không thật sự cần thiết, kể cả đối với cán bộ, đảng viên. Trung úy Mai Trung Kiên - cán bộ trực chốt giáp ranh 2 xã Đức Hòa Thượng và Đức Lập Hạ, cho biết: “Hiện nay, các chốt kiểm soát giữa các vùng có nguy cơ vẫn được duy trì 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 16. Thời gian gần đây, có thể thấy người dân chấp hành rất nghiêm, không còn các trường hợp vi phạm”.

Tương tự, tại huyện Bến Lức, ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hiện nay, huyện cũng thực hiện giãn dân ra khỏi vùng lây nhiễm Covid-19, nhất là tại các khu nhà trọ trên địa bàn thị trấn Bến Lức và xã Mỹ Yên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm. Ngoài ra, tại huyện Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An, trong suốt thời gian qua cũng tập trung huy động tối đa các lực lượng cho việc tiêm vắc-xin kể cả huy động lực lượng y tế tư nhân, y, bác sĩ nghỉ hưu, tuyên truyền sâu, rộng việc tiêm ngừa với phương châm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, từ đó khắc phục tâm lý lựa chọn vắc-xin nhằm sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, giữ vững các “vùng xanh”, từng bước “xanh hóa” địa bàn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Mặc dù thời gian qua, huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An đạt nhiều kết quả trong công tác phòng, chống dịch, số ca nhiễm liên tục giảm và có nhiều địa bàn dần “xanh hóa” trở lại nhưng trên địa bàn các địa phương vẫn còn những vùng có nguy cơ cao như xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa; thị trấn Bến Lức, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức; phường 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An. Do đó, để từng bước kiểm soát dịch bệnh, đưa các địa phương này sớm trở lại trạng thái bình thường mới đòi hỏi mỗi địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất quán quan điểm “Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”; “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải “nắm chắc chủ trương, biện pháp và hành động hiệu quả”.

Các địa phương Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An tập trung đẩy nhanh tốc độ thực hiện test nhanh, sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR để phát hiện và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cho rằng, việc đạt được các “vùng xanh” đã khó, việc giữ vững “vùng xanh” càng khó hơn; đồng thời, phải thu hẹp và xóa được các “vùng cam”, “vùng vàng” để mở rộng “vùng xanh” trên toàn địa bàn huyện.

“Trong thời gian này, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, truy vết, cách ly người bệnh ra khỏi cộng đồng, phong tỏa, khoanh vùng nhằm dập dịch hiệu quả. Đối với các xã, thị trấn thực hiện Chỉ thị 16 phải thực hiện thật nghiêm, triệt để quy định người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ y tế cộng đồng ở tất cả các ấp, khu phố và tổ chức tập huấn cho các thành viên, trang bị đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc để kịp thời phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội” - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cho biết.

Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ người dân, đến nay, huyện vận động hỗ trợ được khoảng 800 tấn gạo và trên 17 tấn rau, củ, quả, các nhu yếu phẩm với tổng giá trị gần 23 tỉ đồng cho các khu cách ly, khu vực phong tỏa trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện thành lập các tổ y tế cộng đồng tại các ấp, khu phố không chỉ hỗ trợ về phòng, chống dịch Covid-19 mà còn hỗ trợ khám, điều trị các bệnh thông thường và sơ cấp cứu trong những trường hợp cấp bách.

Tuyến đường Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa vắng tanh trong những ngày giãn cách xã hội

Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy khẳng định: “Điều đặc biệt quan trọng để huyện sớm trở lại trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện nghiêm “3 mũi giáp công”, các quy định, tiêu chí về kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giảm dần tỷ lệ số ca mắc mới trong cộng đồng, từng bước giảm dần và dập tắt các nguồn lây nhiễm mới. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội và có ý thức với cộng đồng trong công tác phòng, chống lây lan dịch Covid-19”.

Theo Bí thư TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, song hành cùng các biện pháp phòng, chống dịch, thành phố sẽ tận dụng tối đa thời gian tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng cường sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước củng cố, mở rộng các “vùng xanh” để kiểm soát dịch một cách bền vững, bảo vệ cao nhất sức khỏe người dân trong cộng đồng. Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh cũng đề nghị cán bộ, nhân dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước những nguy cơ tiềm ẩn vẫn có thể xuất hiện trong cộng đồng.

Để sớm trở về trạng thái bình thường mới, an toàn, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và đặc biệt chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch để tỉnh sớm đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết