Tiếng Việt | English

29/05/2016 - 13:50

Rừng ở Măng Cành bị phá ngổn ngang, chính quyền không hay biết

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum được giao quản lý và bảo vệ gần 2.000 ha rừng sản xuất trên địa bàn. Xã Măng Cành được giao gần hết số diện tích trên cho 3 làng là Kon Kum, Tu Rằng và Tu Ma nhận quản lý vào bảo vệ.

Cây bị chặt phá nằm ngổn ngang để chờ vận chuyển ra ngoài rừng. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, các cánh rừng nơi đây bị lâm tặc khai thác từng ngày bằng các phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền nơi đây không hề hay biết.

Mở lối... "tỉa" rừng

Vừa qua khỏi mỏ đá đầu cánh rừng tại tiểu khu 474, chúng tôi ven theo một còn đường lớn để đi sâu vào rừng. Đi qua đỉnh dốc, đập vào mắt là hàng loạt cây rừng đã bị “tỉa.” Điều đáng nói là số cây bị đốn đều được lựa chọn kỹ, lâm tặc chỉ chọn cây có đường kính lớn để triệt hạ.

Theo con đường chính, vào sâu trong rừng, các đường nhánh được mở càng nhiều. Tuy là đường nhánh nhưng sự thật chúng rất rộng, đủ cho ôtô cỡ lớn lưu thông. Tất cả các con đường này đều được mở bằng phương tiện cơ giới.

Để rộng đường, lâm tặc không ngần ngại đốn hạ các cây con, vật cản lối vào. Càng vào sâu, các tuyến đường càng nhiều với cả trăm lối khác nhau. Mỗi lối không quá dài, chỉ vài chục đến trăm mét. Điểm chung của các “cung đường” trên đều dẫn đến hiện trường của các vụ “tỉa” cây rừng. Các cây rừng bị đốn hạ đều là cây có đường kính lớn từ 40 cm trở lên. Hiện trường để lại của các vụ phá rừng vẫn còn ngổn ngang.

Đi khoảng 1km nữa, len một lối nhỏ thì chúng tôi phát hiện một bãi khai thác. Hiện trường của vụ khai thác gỗ còn mới, cây vẫn đang chảy mủ, cành, lá chưa khô. Không chỉ đốn cây, lâm tặc còn có thời gian để cắt tỉa thành hộp gỗ trước khi vận chuyển đi nơi khác.

Càng vào sâu, hiện trường phá rừng để lại rất nhiều dấu vết, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh cây bị triệt phá. Một số điểm còn rất nhiều hộp gỗ được xẻ vuông, dài từ 1-2m, nhưng lâm tặc chưa kịp vận chuyển. Số gỗ này, các mép bị chặt cạnh.

Theo anh A Ốc - Trưởng Công an xã Măng Cành, người dân phát hiện các cây này đã dùng rựa phá bỏ, không cho lâm tặc vận chuyển.


Một cây có đường kính lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ (ảnh chụp ngày 26/5). (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Tại tọa độ 583686, gặp ngã ba đường, hàng loạt cây đường kính lớn vừa bị hạ. Sau khi chọn gỗ, những cành nhỏ được lâm tặc bỏ lại, hiện trường ngổn ngang. Chỉ cách địa điểm trên khoảng 100 mét, khi xuống cuối khu vực, chúng tôi lại phát hiện một hiện trường khác với số cây, đường kính lớn hơn. Dạo quanh cánh rừng, đi vào các đường nhánh tại tiểu khu 474, có thể thấy tất cả các lối đi trong rừng đều dẫn đến hiện trường của các vụ chặt phá rừng.

Đổ trách nhiệm cho... dân

Trước thực trạng phá rừng một cách tràn lan, anh A Ninh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Măng Cành cho biết thời gian vừa qua, tại tiểu khu này, người dân vào rừng tận dụng gỗ để làm nhà. Từ việc làm đó, không thể tránh khỏi lâm tặc cũng lợi dụng bà con để tàn phá rừng.

Không riêng xã, tất cả các cấp lãnh đạo từ kiểm lâm, lãnh đạo huyện đều cho rằng các hoạt động này là do dân khai thác làm nhà rông văn hóa, tách hộ làm nhà.

Ông Vũ Minh Văn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm huyện Kon Plông cho rằng việc phá rừng ở địa phương là do người dân nơi đây ai cũng muốn lấy gỗ làm nhà rông văn hóa, sửa nhà, làm chuồng trâu, chuồng bò nên lượng cây bị đốn nhiều.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông cho biết trong điều kiện dân ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, nhất là các hộ mới chia tách, người dân sống gần rừng nên tạo điều kiện, hỗ trợ người dân có cơ ngơi để định cư.

Mặc dù vậy, những viện dẫn trên không thể bào chữa cho những sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở xã Măng Cành, bởi thực tế là việc khai thác, vận chuyển gỗ ở cánh rừng này đều thể hiện sự chuyên nghiệp, có tính toán. Tất cả các cây gỗ đều được khai thác bằng máy, cưa lốc, được xẻ tại nguồn. Việc thông đường vào bãi cũng bằng cơ giới, lâm tặc có thời gian để cưa, xẻ, đóng thành hộp trước khi vận chuyển ra nơi khác.

Ngoài ra, các cung đường vận chuyển gỗ từ rừng ra bãi đều là đường lớn nhưng lạ là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong huyện đều không biết.

Khi các cấp chính quyền “đổ” trách nhiệm cho dân, anh A Nen ở làng Kon Kum cho rằng những hiện trường cũ cho thấy lâm tặc vào đây khai thác từ lâu, cách đây cả năm, nhưng bị người dân ngăn cản bằng cách đào một số hố sâu từ ngoài vào rừng.

Tuy nhiên, lâm tặc không dừng lại ở đó, chúng dùng máy móc, phương tiện lấp hố cho xe vào. Người dân đặt cây chắn lối vào, bẫy đinh ở các lối mòn ngăn xe vào khai thác, vận chuyển gỗ..., nhưng những biện pháp thủ công trên không đủ ngăn cản sự càn quét của lâm tặc vào các cánh rừng ở Măng Cành.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên thì việc người dân xây dựng nhà rông văn hóa đã hoàn thành cách đây 1 năm, nên lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương không thể lấy lý do làm nhà rông văn hóa để bào chữa cho việc lâm tặc vào rừng “tỉa” cây./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết