Đoàn lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành dâng hương viếng Nghĩa trang Liệt sĩ
Tháng bảy tri ân
Cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng bảy, nhiều hoạt động thiết thực hướng về Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 luôn được các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Những phần quà, lời thăm hỏi, động viên đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng như thể hiện tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đi trước.
Những ngày tháng bảy, chúng tôi có dịp theo đoàn cán bộ đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thăng, 93 tuổi, ngụ khu phố Măng Đa, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, sức khỏe của mẹ vẫn minh mẫn. Mời khách ly trà, mẹ vừa ngoáy trầu, vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về thời chiến tranh, loạn lạc. Mẹ kể, mẹ sinh được 8 người con, 7 trai và 1 gái. Năm 1966, người con trai lớn của mẹ - anh Nguyễn Văn Liêu tham gia làm giao liên cho cách mạng nhưng không may bị thương và trở về xã nhà tham gia du kích.
Ngày 18/3/1969, trong một trận càn của giặc, chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Nhạn và anh Nguyễn Văn Liêu hy sinh. Cùng một lúc, mẹ phải đón nhận cả 2 nỗi đau mất chồng và mất con. Thế nhưng, mất mát, đau thương ấy không xô ngã được mẹ. Càng đau thương, mẹ lại càng kiên cường đứng dậy, tiếp tục con đường mà chồng và con đã chọn. Gác lại mất mát, đau thương, mẹ hăng hái tham gia lao động sản xuất, lấy lương thực nuôi quân và là chỗ dựa cho niềm tin của các con trong gia đình cũng như bộ đội thời ấy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng thăm, tặng quà thương binh nặng tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Ngọc Thạch
Đến năm 1972, anh Nguyễn Văn Trường, người con trai thứ ba của mẹ tham gia du kích với mong muốn trả thù cho cha, cho anh. Anh cùng đồng đội tham gia các trận chống càn của giặc, góp phần làm hạn chế ý đồ bình định của địch. Thế nhưng, chỉ nửa năm trước ngày giải phóng, trong một trận chống càn, anh đã anh dũng hy sinh khi đang giữ nhiệm vụ tiểu đội trưởng du kích. Một lần nữa, mẹ lại phải đón nhận thêm nỗi đau. Chiến tranh khốc liệt đã cướp mất của mẹ người chồng và 2 người con trai yêu quý. Dù đau thương nhưng mẹ rất tự hào bởi chồng, con hy sinh vì nghĩa cả. Năm 1995, Đảng và Nhà nước phong tặng mẹ danh hiệu cao quý - Mẹ VNAH. Hàng năm, các cấp chính quyền, địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ.
Mẹ tâm sự: “Đến ngần này tuổi, mẹ không mong gì hơn khi thấy quê hương ngày càng thay đổi, người dân yên tâm sản xuất, hưởng cuộc sống yên bình. Đó cũng là ước mơ của hàng triệu người đã ngã xuống cho độc lập hôm nay”. Và cũng như mẹ, trên khắp cả nước, hàng chục ngàn người mẹ như thế, sẵn sàng tiễn chồng, con ra đi vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thắp nến tri ân
Tối ngày 26-7-2016, mặc dù trời đổ mưa nhưng hơn 100 đoàn viên, thanh niên dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo, đây là hoạt động thường niên của Tỉnh đoàn nhằm tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dịp này, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động tu sửa, chỉnh trang, dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và tổ chức dâng hương tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ, bia tưởng niệm và các khu di tích lịch sử cách mạng truyền thống trên địa bàn tỉnh. Thụy Anh |
Đền ơn đáp nghĩa - trách nhiệm của toàn xã hội
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, với trách nhiệm của ngành, những năm qua, công tác Đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp, ngành phối hợp thực hiện tốt. Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo cho biết: “Từ khi có chủ trương vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa đến nay, toàn tỉnh vận động trên 190 tỉ đồng, xây dựng 10.130 căn nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở và sửa chữa trên 800 căn. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, vận động được gần 4 tỉ đồng, xây dựng 70 căn và sửa chữa 46 căn nhà cho các gia đình chính sách”.
Ông Nguyễn Trung Vũ, ngụ ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, con thương binh hạng 4/4, vừa được trao nhà tình nghĩa cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình tôi vừa được trao tặng nhà tình nghĩa. Đây không chỉ là món quà lớn đối với gia đình tôi mà còn là tấm lòng của các cấp đối với những gia đình chính sách. Đó cũng là động lực để gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm công tác”.
Song song đó, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, toàn tỉnh được Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 2.827 mẹ, nâng tổng số Mẹ VNAH của toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 4.673 mẹ. Phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, UBMTTQ tỉnh phát động phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH và đến nay, tất cả các Mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, tổ chức đứng ra nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời với số tiền phụng dưỡng từ 500.000-1.200.000 đồng/tháng, góp phần nâng cao mức sống của các mẹ.
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Không riêng gì những ngày tháng 7, xuyên suốt cả năm, công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc những gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được ngành đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành luôn phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan, tham mưu kịp thời UBND tỉnh, đề xuất những giải pháp, chính sách liên quan đến người có công, bảo đảm mọi chế độ, chính sách đến với những người có công được thực hiện kịp thời và đầy đủ nhất. Bên cạnh đó, ngành còn phát động các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, mạnh thường quân cùng tham gia công tác chăm sóc, tặng quà các gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết. Đồng thời, giáo dục truyền thống, đạo lý Uống nước nhớ nguồn đến thế hệ trẻ, để tất cả mọi người thấy được công tác Đền ơn đáp nghĩa không chỉ của riêng các cấp, các ngành, đoàn thể mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội”./.
Kiên Định