Tiếng Việt | English

26/03/2022 - 19:41

Sẽ tổng rà soát và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên ở nhiều cấp học

Ngày 26/3, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An – Mai Văn Nhiều chủ trì Chương trình Đối thoại với các sở, ngành có liên quan về “Giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường mầm non và phổ thông”.

Thường trực HĐND đối thoại trực tiếp về Giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh

Tham gia đặt vấn đề trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ - Võ Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Phan Thị Dạ Thảo và Phó Giám đốc Sở Tài chính – Hồ Quốc Công, có Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh - Nguyễn Thành Vững; Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - Trương Văn Nam; Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc; Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - Trần Quốc Việt. Chương trình đối thoại được phát trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An để cử tri và nhân dân theo dõi. 

Theo Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX: “Đảm bảo đến tháng 6/2019 phải thực hiện xong việc tổng rà soát và khắc phục tình trạng bố trí thừa, thiếu cục bộ, chưa hợp lý giáo viên và nhân viên trường học các cấp học trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, qua phản ảnh của cử tri và kết quả khảo sát của HĐND tỉnh, nhiều địa phương chưa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở các ngành học, cấp học; có nơi vẫn còn tình trạng thừa, thiếu về số lượng, cơ cấu giáo viên ở một số môn học.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Phan Thị Dạ Thảo thông tin: Hiện nay, tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý có 16.436 người, trong đó giáo viên trực tiếp đứng lớp là 15.155. Cụ thể theo từng cấp: Mầm non có 2.784 giáo viên, còn thiếu 297 giáo viên; Tiểu học có 5.807 giáo viên, còn thiếu 538 giáo viên; THCS có 4.252 giáo viên, còn thiếu 436 giáo viên; THPT có 2.312 giáo viên, còn thiếu 136 giáo viên.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thừa giáo viên là do thực hiện các quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo về định mức giáo viên trên lớp theo từng môn học. “Ví dụ: 1 trường được định mức 3,5 giáo viên môn văn, nếu tuyển 3 giáo viên thì thiếu giáo viên so với định mức, giáo viên phải dạy tăng tiết, vượt giờ; nếu tuyển 4 giáo viên thì sẽ thừa so với quy định. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều trường THCS và kéo dài trong nhiều năm” – bà Phan Thị Dạ Thảo phân tích.

Về nguyên nhân thiếu giáo viên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, do số học sinh từng cấp học tăng, làm tăng đột biến số lớp, do đó phải tăng nhu cầu giáo viên. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, nâng trình độ chuẩn giáo viên nên các sinh viên ngành sư phạm đã được đào tạo trước đây nhưng chưa đạt chuẩn mới thì không được tuyển dụng dẫn đến thiếu nguồn để bổ sung giáo viên. Mặt khác, đa phần sinh viên sư phạm tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm việc làm nên không đăng ký tuyển dụng về các địa phương. Chế độ tiền lương thấp cũng là nguyên nhân không thu hút được sinh viên sau khi tốt nghiệp vào công tác ở ngành giáo dục...

Hiện nay, toàn tỉnh còn thiếu 297 giáo viên Mầm non; 538 giáo viên Tiểu học; 436 giáo viên THCS và 136 giáo viên THPT

Về giải pháp, bà Phan Thị Dạ Thảo cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát số lượng giáo viên thừa và giải quyết bằng cách điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu; phân công dạy liên trường; giải quyết chính sách đối với những trường hợp dôi dư không thể bố trí. Đối với những nơi thiếu giáo viên, sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng theo đúng quy trình, bảo đảm rút ngắn thời gian; đẩy mạnh công tác tạo nguồn tuyển dụng thông qua đặt hàng với các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

Để giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, Giám đốc Sở Nội vụ - Võ Thanh Phong cơ bản thống nhất với các giải pháp của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu. Đồng thời, ông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định cụ thể về cơ chế phân công giáo viên dạy liên trường; định kỳ chuyển đổi giữa vị trí, việc làm giáo viên và nhân viên hoặc chính sách giảm tiết dạy khi phân công giáo viên kiêm nhiệm nhân viên trường học.

Theo ông Võ Thanh Phong, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo số học sinh, số lớp, làm cơ sở xác định nhu cầu giáo viên cần bố trí trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là đối với các huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Với chức năng và nhiệm vụ của ngành, Sở Nội vụ cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức tập huấn về quy trình, nghiệp vụ để các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, triển khai kịp thời hơn; tiếp tục phối hợp kịp thời với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện trong việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng mà đơn vị đề nghị.

Tại chương trình đối thoại, Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt vấn đề với Sở Tài Chính về việc giao kinh phí cho các trường. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, do thu tuyển giáo viên không được, nhiều trường phải thực hiện hợp đồng thỉnh giảng, dạy tăng giờ, dẫn đến kinh phí chi trả cho khoản này rất lớn. Ông đề nghị Sở Tài Chính cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Tài Chính – Hồ Quốc Công cho biết, Sở Tài chính cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trường được phân bổ thêm một số kinh phí để chi thực hiện các chương trình, đề án của ngành giáo dục; kinh phí chi cho giáo viên mới tuyển dụng; kinh phí nâng bậc lương hàng năm bằng 3% tổng quỹ lương, phụ cấp và các khoản đóng góp; kinh phí đặc thù đối với giáo viên, học sinh trường chuyên; hỗ trợ học bổng, chi phí học tập cho học sinh,... và đặc biệt là kinh phí hỗ trợ chi vượt giờ, tăng giờ tăng buổi.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu về dài để bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, Sở Tài chính thống nhất với ý kiến của Sở Giáo dục và Sở Nội vụ là phải tuyển dụng đủ số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế được duyệt. “Trường hợp do yếu tố khách quan chưa tuyển đủ số lượng thì thực hiện giải pháp ký hợp đồng lao động theo quy định Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế hoặc phân công giáo viên dạy tăng giờ, tăng buổi và sử dụng các nguồn kinh phí đã được bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm để chi trả” – ông Hồ Quốc Công thông tin thêm.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài Chính giải trình rõ các câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Phát biểu kết luận Chương trình đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều đề nghị, các cơ quan chức năng tổng rà soát thực trạng giáo viên các trường mầm non và phổ thông trên toàn tỉnh; nắm chính xác biên chế giáo viên thừa, thiếu về số lượng và cơ cấu trong các môn học theo chỉ tiêu phân bổ của tỉnh và theo định mức đứng lớp, từ đó có giải pháp xử lý, khắc phục mang tính trước mắt, cũng như tổng thể, toàn diện, lâu dài như tuyển dụng, thỉnh giảng, tăng giờ, điều chuyển, đào tạo, đào tạo lại,… Khẩn trương rà soát lại biên chế nhân viên trường học để có giải pháp khả thi, xử lý kịp thời tình trạng thiếu người. Trong đó phải xác định rõ vị trí nhân viên nào có thể kiêm nhiệm, vị trí nhân viên nào phải có biên chế cụ thể. Kịp thời đề xuất đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền như liên quan đến việc thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy về sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập.

Ông Mai Văn Nhiều nhấn mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường mầm non, phổ thông, cần quan tâm chăm lo thu nhập tăng thêm theo quy định cho đội ngũ thầy cô giáo, tạo môi trường sư phạm thật sự lành mạnh, thật tốt để giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác và xem ngôi trường như ngôi nhà yêu quý, xem học sinh như đứa con thân yêu của mình, từ đó gắn bó, tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến hết mình với nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết