Nguyễn Thông là nhà nho yêu nước, thương dân, nhà văn hóa lớn của nước nhà. Ông có học vấn uyên bác, tư tưởng tiến bộ. Tên ông được đặt cho nhiều công trình để mãi tôn vinh, nhắc nhở.
Sĩ phu yêu nước thương dân
Nguyễn Thông tên đầy đủ là Nguyễn Thới Thông, sinh ngày 21/7/1827 trong một gia đình nhà nho nghèo ở Thôn Bình Thạnh, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, nay là ấp Bình Trị II, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.
Thời niên thiếu, ông nổi tiếng thông minh. Năm 18 tuổi, ông được gia đình gửi ra Thừa Thiên để có điều kiện học tốt hơn. 22 tuổi, ông thi Hương đỗ cử nhân và được bổ làm Huấn đạo ở An Giang. 6 năm sau, ông về Huế làm việc ở nội các, giữ chức vụ Hàn lâm viện tu soạn.
Nguyễn Thông làm quan trong thời kỳ đen tối của đất nước. Khi Pháp chiếm Gia Định (ngày 17/02/1859), Nguyễn Thông tình nguyện xin vào quân ngũ để có cơ hội trực tiếp đánh giặc, giữ nước. Ông nhanh chóng trở thành một trợ thủ đắc lực của Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.
Năm 1870, Nguyễn Thông làm biện lý bộ hình rồi Bố chánh Quảng Ngãi. Năm 1871, ông chỉ huy đào kênh Vĩnh Lợi, mang nước đến cho dân lúc trời nắng hạn. Cũng tại Quảng Ngãi, ông dũng cảm bảo vệ dân, vạch tội triều đình trong vụ quyên tiền mua phẩm tước. Sau khi nghiên cứu đầu đuôi vụ án, ông tuyên bố: “Trong vụ này, chỉ có vua và quan là nói dối dân, chớ không nói dối ai hết”. Nguyễn Thông đã nói đúng sự thật mà người khác không dám nói cho dù chính điều đó đã làm ông bị cách chức và xử trượng. Chính những hành động chính trực, liêm khiết và vì dân đó của ông khiến cho ông được người dân kính yêu, xem như vị cứu tinh.
Không chỉ là một ông quan Bố chánh, Nguyễn Thông còn giữ nhiều chức học quan: Huấn đạo huyện Phong Phú, An Giang năm 1851; Đốc học ở Vĩnh Long năm 1862, Bình Thuận năm 1881; Hàn lâm viện tu soạn; Hàn lâm viện trước tác. Năm 1876, ông trở lại Huế giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám và tham dự khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ở đó, khi đọc xong bản thảo, Nguyễn Thông đã viết tất cả nhận xét của ông trong một quyển sách lớn mang tên Việt sử thông giám khảo lược gồm 7 quyển nhỏ.
Nguyễn Thông được biết đến là nhà trí thức thực thụ, yêu nước, chân chính; nhà văn hóa lớn tiêu biểu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Ông còn là người làm công tác thủy lợi, nhà sử học, nhà giáo dục lớn đã đóng góp rất tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Ngày 7/7 Âm lịch hàng năm, trường đều tổ chức Lễ giỗ cụ Nguyễn Thông, giáo viên và học sinh đến viếng, thắp hương tượng cụ Nguyễn Thông nhằm nhắc nhở các thế hệ học sinh luôn nhớ ơn nhà giáo yêu nước. Đây cũng là hoạt động thường niên của Trường THPT Nguyễn Thông
Những công trình mang tên Nguyễn Thông
Nguyễn Thông đã yên nghỉ tại TP.Phan Thiết nhưng nơi sinh ra ông, tên ông đã thành tên đường, tên trường học. Khu vườn nhà ông nay được trùng tu thành Khu lưu niệm Nguyễn Thông tại ấp Bình Trị II, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đó là một quần thể rộng, được trùng tu trên đất nền nhà cũ, gồm mộ phần bà nội, tấm bia đá do ông lập năm 1868 cho song thân của mình và bia tưởng niệm được lập nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông. Dự kiến khu lưu niệm tiếp tục được xây dựng thêm nhiều hạng mục trong tương lai. Đây cũng là địa điểm tham quan, địa chỉ Về nguồn của học sinh, sinh viên. Năm 2001, Khu lưu niệm Nguyễn Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích cấp quốc gia.
Trong vòng 35 năm làm quan của cuộc đời 57 tuổi thì có đến gần 30 năm, Nguyễn Thông giữ chức học quan, trực tiếp làm công tác giáo dục. Ông là nhà giáo yêu nước vì nhân dân phục vụ, cống hiến hết những gì mình có cho đất nước, đặc biệt là thế hệ học trò. Ngày nay, ngôi trường mang tên nhà giáo yêu nước Nguyễn Thông là niềm tự hào của giáo viên (GV) cũng như biết bao thế hệ học sinh (HS) khi được giảng dạy, học tập tại đây.
Trường tọa lạc tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, với khuôn viên sân trường rộng rãi, cây xanh tỏa bóng. Tượng nhà giáo yêu nước sừng sững giữa sân như một lời nhắc nhở các em HS phải luôn ghi nhớ công ơn của cha ông, cố gắng học hành để cống hiến cho đất nước.
Em Trần Thị Thanh Tuyền - HS lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Thông, chia sẻ: “Từ đầu lớp 10, em đã được trường sinh hoạt về tiểu sử nhà giáo Nguyễn Thông. Qua tìm hiểu, em cũng như các bạn rất ngưỡng mộ phẩm chất đạo đức, nhân cách cao đẹp, tài năng của ông. Em cảm thấy tự hào vì được học tập trong ngôi trường mang tên Nguyễn Thông”. Niềm tự hào đó là động lực giúp HS và GV của trường luôn nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích tốt trong công tác dạy và học. Trường THPT Nguyễn Thông đã và đang khẳng định vị trí là mái trường có tỷ lệ HS giỏi, hạnh kiểm tốt cao.
Những năm gần đây, HS tốt nghiệp tại trường và tỷ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng đều cao. Trong các kỳ thi HS giỏi, HS Trường THPT Nguyễn Thông vẫn thường mang về giải thưởng, làm rạng danh ngôi trường mình đang theo học. Năm học 2019-2020, trường có 9 em đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông - Võ Hoàng Yến Oanh chia sẻ, vinh dự là ngôi trường mang tên Nguyễn Thông nên việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông đến HS và tập thể toàn trường được Ban Giám hiệu đặc biệt chú trọng. Vào đầu năm học, nhiều HS lớp 10 khi mới vào trường đều được Ban Giám hiệu, Đoàn trường cho học tập về tiểu sử cụ. Ban Giám hiệu trường luôn động viên, nhắc nhở GV cũng như HS phải ra sức phấn đấu, thi đua dạy và học để xứng đáng với ngôi trường mang tên nhà nho yêu nước Nguyễn Thông.
Vào ngày 7/7 Âm lịch hàng năm, trường đều tổ chức Lễ giỗ cụ Nguyễn Thông, nhắc nhở các thế hệ HS, GV luôn nhớ về nhà chí sĩ yêu nước, người mà mái trường đang vinh dự được mang tên.
Người dân Châu Thành vẫn luôn tự hào vùng đất ấy là quê hương bậc sĩ phu Nguyễn Thông, một người đáng kính với tấm lòng yêu nước, thương dân. Ngày nay, ông đã an nghỉ vĩnh viễn với tiếng chim hót, gió reo trên núi Cố (thôn Ngọc Lâm, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi là tấm gương cho hậu thế./.
Hà Lan