Tiếng Việt | English

23/03/2022 - 09:17

Sinh vật cảnh: Lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong đời sống

Sinh vật cảnh (SVC) không thể tách rời với tình yêu thiên nhiên. Mà thiên nhiên, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình...”.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Long An - Nguyễn Văn Lộc trao Bằng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia cho các nghệ nhân

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Long An - Nguyễn Văn Lộc trao Bằng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia cho các nghệ nhân

1. SVC ngày nay đòi hỏi hội nhập với SVC thế giới tiến hóa không ngừng. Nhớ năm 2019, tại Lễ hội Bonsai&Suiseni châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại TP.HCM, qua các gian hàng triển lãm cho thấy nghệ nhân SVC thế giới đã định danh nghệ thuật SVC đương đại một cách rất mới lạ. Sinh thời, cụ Ba Tín ở phường 4 (TP.Tân An), hễ có điều kiện xuất cảnh là tiếp cận nghệ thuật SVC của đất nước nơi cụ đến. Lúc cụ đang làm thử nghiệm bonsai của Singapore lá xanh bóng như thoa mỡ, bất ngờ cụ ngã xuống và... “đi luôn” ở tuổi cận 90. Có lẽ cây bonsai Singapore chú trọng bộ lá, bonsai Indonesia quý bộ rễ tạo dáng như vũ nữ.

Tại cuộc “đấu xảo” lớn như trên, Nghệ nhân quốc gia (NNQG) Phạm Văn Tuấn - Chi hội phó Chi hội SVC huyện Cần Đước, trúng giải A bộ môn Đá cảnh. Anh Tuấn cho biết: “Hòn đá cuội xanh đen, bóng, to hơn nắm tay, có nhiều hoa văn màu vàng trắng, tôi lượm từ một con suối ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trong lúc dạo chơi”. Anh vừa mang đá về nhà, đã có người xin mua với giá 10.000 USD, anh không bán. Sau khi trúng giải A, đã có người đến nài mua 20.000 USD, anh cũng lắc đầu “để chơi, không bán”.

Trong giới chơi SVC, có cái tưởng như “đồ bỏ”, nhưng một khi đã qua tay nghệ nhân thì “lượm đồ bỏ xách giỏ đựng tiền” một cách ngon ăn! Anh Mười T. - một đại gia ở TP.Tân An, từng “khét tiếng” chơi kiểng và đoạt giải cao qua các lần dự thi SVC cấp tỉnh trở lên, mách với tôi: “Đi chơi đâu, thấy ai vứt cái rễ hay gốc cây gì, hãy lượm về cho tui. Tui sẽ biến nó thành bonsai, gỗ lũa, kiểng khô nghệ thuật cho coi”. Sự thật là thế! Ông Tám C., ở xã An Lục Long (huyện Châu Thành) phá bỏ cả đám mai chiếu thủy lâu đời để lấy đất trồng thanh long. Có người lượm thứ “đồ bỏ” ấy về trồng vô chậu, tạo bonsai các cỡ. Hơn 10 năm sau, mai chiếu thủy đã định hình nghệ thuật bonsai, người ấy đem những “đồ bỏ” đó ra bán, xách giỏ đựng tiền không hết. Đó là chuyện có thật để bà con nào “có kho tàng” thì... rút kinh nghiệm!

2. Hội SVC tỉnh Long An sau 2 năm tạm “im lìm” và thực hiện “5K” để phòng, chống Covid-19, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vừa “bình thường mới”, hoa xuân lại nở đầy sân chơi của Hội. Mới vừa rồi, Hội SVC Long An tổ chức tổng kết năm 2021, đề ra kế hoạch năm 2022 một cách đầy lạc quan và tự tin. Dịp này, Chủ tịch Hội - Nguyễn Văn Lộc đã công bố và trao Bằng danh hiệu NNQG - đẳng cấp cao nhất ngành SVC của Hội SVC Việt Nam cho 6 nghệ nhân ở Long An. Toàn tỉnh hiện có 12/15 chi hội trực thuộc Hội SVC tỉnh với hơn 1.000 hội viên chính thức. Và, tùy điều kiện dịch Covid-19, chi hội SVC cấp huyện thời gian qua đã linh động hài hòa với hoàn cảnh để giữ vững nhịp điệu phát triển. Như Chi hội SVC huyện Cần Giuộc tổ chức đủ các loại hình hoạt động phục vụ văn hóa lễ hội ở địa phương. Chi hội SVC của một số huyện còn cử hội viên đem tác phẩm dự thi ở các tỉnh, thành trong khu vực và đoạt nhiều giải đáng khích lệ.

Còn nghệ nhân Hồ Nhuận Đăng Sơn vừa thăng hạng NNQG, vẫn giữ vững ngôi “vua cá cảnh” ở TP.Tân An. Anh sở hữu nhiều hécta mặt ao lai tạo, nhân giống cá cảnh và thành công mỹ mãn với đề tài nghiên cứu khoa học (đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Long An) cho ra đời các loại cá dĩa có màu sắc rất đẹp, được khách hàng gần xa đến đặt hàng. Chi hội SVC huyện Tân Trụ do ông Phạm Văn Nên làm Chi hội trưởng có sức bền trong phát triển. Chi hội SVC huyện Cần Giuộc của Chi hội trưởng - Nguyễn Ngọc Nhẫn đầy năng lượng, bởi các khu công nghiệp và dân cư đô thị mới ở huyện là cơ hội cho phát triển SVC trong đáp ứng nhu cầu làm đẹp các không gian ấy.

3. Gần đây, ngành Du lịch trong nước có thêm du lịch sinh thái SVC - loại hình mà thế giới đã có từ lâu. Thật vậy, ai đi du lịch ở Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia,... sẽ thấy SVC thu hút du khách thế nào. Tại tỉnh đảo Okinawa (Nhật Bản), người viết phải mất cả buổi vẫn chưa đi giáp vòng khu công viên cây cảnh và vườn lan muôn màu ngàn vẻ của họ. Cũng ở Okinawa, người ta khéo ghép lan rừng lên thân cây xanh trên đường phố đi lên di tích thành cổ Shurijo Castle và cố đô vương quốc Lyukyu. Chao ơi, quá mãn nhãn du khách quan chiêm!

TP.Tân An đang xây bờ kè và dải công viên hai bên kênh Bảo Định (phần còn lại) qua trung tâm thành phố. Ước cho “nó” mang diện mạo kiến trúc đô thị trên sông nước với bóng dáng những cây phượng vĩ và lộc vừng như ở Hồ Gươm (Hà Nội), tạo điểm nhấn du lịch trên sông và chợ hoa xuân mỗi dịp đón Tết Nguyên đán.

Cuối cùng, SVC trước hết phải lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong đời sống con người./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết