Tiếng Việt | English

14/06/2024 - 10:06

Soạn giả Phương Nhựt: Thương lắm Đức Hòa Đông!

Tôi về quê em xứ Đức Hòa Đông/Vì nơi ấy có mẹ trông, em đợi/Một làng quê tình người cao vời vợi/Vượt qua đói nghèo vươn tới tương lai.
Nếu ai là người con xa quê hoặc bạn bè có dịp đến đây vài mươi năm trước thì ngày nay khó nhận ra Đức Hòa Đông thuở ấy. Nếu như ngày trước, đường xe bò mưa sình, nắng bụi, quanh co khắp xóm thì ngày nay đã được thay bằng đường bêtông, xe bốn bánh vào tận sân nhà. Đức Hòa Đông bây giờ gần như đô thị hóa nông thôn. Nói là nói vậy thôi chứ ở đây vẫn còn những ruộng đậu phộng xanh rờn, còn đó những nông dân một nắng hai sương trên rẫy bắp,... và vẫn văng vẳng đâu đây tiếng võng tre kẽo kẹt mỗi trưa, chiều với lời ru hời của bà, của mẹ cho trẻ thơ nồng nàn giấc ngủ. Hơn 20 năm tôi mới có dịp về lại Đức Hòa Đông để thăm người anh, người đồng nghiệp - soạn giả Phương Nhựt và cảm nhận sự đổi thay ở quê anh trong lần trở lại.

Soạn giả Phương Nhựt

Vẫn phong độ như ngày nào, vẫn nụ cười tươi tắn, mái tóc bồng và ánh mắt sâu thẳm, anh để lại ấn tượng khó phai trong lần gặp gỡ đầu tiên.

Soạn giả Phương Nhựt kể, những năm đầu sau 1975, phong trào ca hát phát triển mạnh ở tỉnh Long An, trong đó có xã Đức Hòa Đông. Anh tham gia và là hạt nhân của phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương. Và cơ duyên đã đến khi năm 1976, cố soạn giả Trần Nam Dân về xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa để tìm những hạt nhân của phong trào văn nghệ.

Nghe đồn xã Đức Hòa Đông có phong trào văn nghệ quần chúng khá mạnh nên cố soạn giả Trần Nam Dân tìm đến. Cố soạn giả gặp gỡ các nghệ nhân đờn, ca và những người có khả năng sáng tác. Qua đó, ông chọn lọc tiết mục đưa về Đài Tiếng nói Việt Nam 2 để thu thanh và phát sóng trong chương trình văn nghệ quần chúng Khắp nơi ca hát.

Với sự dìu dắt của soạn giả Trần Nam Dân, phong trào văn nghệ quần chúng xã Đức Hòa Đông không ngừng lớn mạnh. Các tiết mục tự biên, tự diễn được liên tục dàn dựng, thu thanh, phát sóng trên đài phát thanh, tạo được sự lan tỏa trong tỉnh Long An và khu vực.

Lớn lên từ phong trào, được cọ xát thực tiễn và những người thầy, người anh đi trước động viên, soạn giả Phương Nhựt đã trưởng thành. “Năm 1977, tôi sáng tác bài ca cổ Màu xanh trên Vàm, được nghệ sĩ Lệ Thủy thu thanh và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam 2... mà cứ tưởng là mơ - một giấc mơ có thật, một niềm vui khó tả bằng lời” - soạn giả Phương Nhựt nhớ lại. Cũng từ bước đi này, năm 1985, anh được dự lớp bồi dưỡng kịch bản sân khấu cải lương do Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Sau khóa học này, anh cảm thấy tự tin nhờ những người thầy truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, những điều cần thiết của người sáng tác.

Viết về quê hương mình là ưu tiên hàng đầu của soạn giả Phương Nhựt. Theo yêu cầu của Tỉnh ủy lúc bấy giờ, anh sáng tác bài Đức Hòa sáng mãi tên người để ca ngợi đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, người con của quê hương Đức Hòa, với lời mở đầu: “Trong ngục tối người cố lần mò từng mảng gạch. Dù tay chân rã rời, sau những trận tra tấn dã man. Để viết lên tường, lời di huấn cuối cùng. Các đồng chí... Lênin nói... Thà mình chết, không bao giờ giết chết phong trào cách mạng...”. Còn trong lòng tác phẩm, tác giả khắc họa lại bức tranh bị áp bức, bất công của nhân dân dưới thời thực dân, phong kiến. Không thể chấp nhận bị áp bức, bóc lột, mất tự do và mong muốn độc lập, tác giả viết: “Thuở ấy người thanh niên Võ Văn Tần làng Đức Hòa sớm giàu lòng yêu nước, trốn kiếp nông nô, đói nghèo bỏ xứ ra đi. Lên Chợ Lớn - Sài Gòn làm phụ xe tìm kế sinh nhai, lòng canh cánh nỗi thương nhà hận đau non nước. Rồi năm ba mươi Đảng khai sinh nguồn ánh sáng, người đã đi tiên phong dưới ngọn cờ đỏ thắm”. Từ đó, Đức Hòa và Hóc Môn - Bà Điểm trở thành cái nôi của phong trào cách mạng... Sau khi Võ Văn Tần bị hành hình, nhân dân đứng lên làm áp lực để đưa thi thể của ông về quê an táng. Tác phẩm có đoạn: “Đất ngã ba Giồng phút cuối cùng đón người cháu ngoại, vĩnh viễn ra đi mãi mãi không về. Đốt nén nhang lòng tưởng nhớ người xưa, trời đất mênh mông xanh trong sắc nắng. Đức Hòa quê tôi bỗng thiêng liêng sâu lắng, êm ả mà hào hùng tươi tắn một niềm tin”.

Và bài ca Nơi ấy anh về cũng ca ngợi quê mình nhưng nghiêng theo tính thiêng liêng của những người đã ngã xuống trên mảnh đất này với đoạn: “Một sáng ngày mười hai tháng tư năm sáu tám, trận đánh rừng Tràm Cấm, Cửa Lủy, Gò Nếp Than, bộ đội ta chiến đấu ngoan cường. Ba mươi tám liệt sĩ hy sinh...”. Sau đó, mộ tập thể liệt sĩ này được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Hòa.

Trong số 38 liệt sĩ đó, có liệt sĩ được người thân từ tỉnh Thái Bình vào để đưa hài cốt về quê hương. Nhưng người thân chỉ đưa lư hương của anh về quê, vì hài cốt của anh đã hòa tan vào lòng đất Đức Hòa Đông. Từ thực tiễn này, anh đã sáng tác bài hát Nơi ấy anh về thật xúc động.

Viết về đề tài tình yêu, anh có các tác phẩm Lời ban chiều, Gửi người em gái phương xa, Tiếng mưa đêm, Đừng hỏi vì sao,... nhưng anh thương nhất là bài Lời ban chiều.

Soạn giả Phương Nhựt cho biết: “Năm 1992, tỉnh đăng cai tổ chức cuộc thi Sáng tác bài ca vọng cổ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Để tiện việc ăn ở, năm ấy, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh - Phạm Kiệt đưa tôi về nhà anh để tập trung sáng tác. Một buổi chiều hè, nắng gắt, từ trên lầu nhà anh Phạm Kiệt nhìn xuống đường, thấy một phụ nữ tay ẵm con thơ, tay xách chiếc giỏ bạc màu, bước đi trong dáng vẻ buồn bã, thiểu não như bị phụ tình, tôi bắt tay viết bài Lời ban chiều chỉ trong một ngày”.

Với soạn giả Phương Nhựt, ngày nào còn có thể thì còn tiếp tục viết để trả nợ nghiệp Tổ và trả ơn những người đã yêu thương tài tử cải lương./.

Soạn giả Bùi Thanh Bình Vấn vương miền hạ

Soạn giả Bùi Thanh Bình - người con của quê hương miền hạ - nơi mà “Về Cần Đước nhớ hoài hương lúa ấy.

Việt Sơn

Chia sẻ bài viết