Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 08:43

Liên hoan các Nhóm Ca khúc Cách mạng và Ban nhạc tỉnh Long An:

Sống mãi giai điệu hào hùng

Giai điệu hào hùng trong các tiết mục tham gia Liên hoan các nhóm ca khúc cách mạng và ban nhạc tỉnh Long An lần thứ I năm 2017 để lại nhiều ấn tượng với người xem. Liên hoan cũng là nơi các nhạc công không chuyên gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng ở địa phương.


Phần thi diễn của đơn vị tham gia liên hoan

“Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi”

Đó là những giai điệu dịu dàng, tha thiết, trầm sâu trong lời ru của mẹ, trong phút tiễn con lên đường theo tiếng gọi non sông và là giai điệu "cháy" trong tình yêu nước vô ngàn của bốn ngàn năm đất nước gian nan,... Tất cả những giai điệu ấy trỗi lên trong liên hoan như một bản anh hùng ca đáng tự hào, một lời nhắc nhở tiếp bước cha anh của các thế hệ hôm nay.

Với sự tham gia thi diễn hơn 100 tiết mục của 15 huyện, thị xã, thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ, liên hoan là hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). “Những bài hát tham dự liên hoan gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Đây cũng là “sức mạnh mềm” tuyên truyền, giáo dục truyền thống” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương cho biết.

Theo nhạc sĩ Trịnh Hùng - Trưởng ban Giám khảo liên hoan, dù không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng đa số các giọng hát đều thể hiện đúng nhịp, cao độ và trường độ. Đặc biệt, qua các ca khúc, người hát thể hiện sự hào hùng, trầm lắng. Nội dung bài hát mà các đơn vị chọn thi diễn phù hợp với chủ đề của liên hoan.

Tại liên hoan, ngoài âm hưởng hào hùng về một truyền thống dựng nước, giữ nước qua các ca khúc: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Giai điệu tự hào, Việt Nam đất nước tuyệt vời, Gửi em ở cuối sông Hồng, Tình ca, Đêm Trường Sơn nhớ Bác..., người xem còn lắng đọng với những âm vang bi tráng như tiết mục Lên ngàn do đơn vị huyện Thủ Thừa trình diễn. Lên ngàn là bài hát do nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác năm 1953, khắc họa hình ảnh người vợ lính chan chứa tình cảm sâu đậm, chèo thuyền ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên rẫy cắt lúa, thay chồng nuôi con với niềm tin “Em đi cắt lúa trên ngàn. Còn anh chiến đấu sa tràng. Kháng chiến nhất quyết thành công. Kháng chiến nhất quyết thành công. Anh về em thỏa ước... mong”.

Bi tráng, hào hùng, thiết tha và dịu dàng - tất cả là giai điệu Tổ quốc!


Trao giải thưởng cho đơn vị đoạt giải trong liên hoan

Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức trao giải A chương trình cho TP.Tân An, huyện Bến Lức, Tân Trụ và trao giải B chương trình cho các huyện: Đức Hòa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Cần Giuộc. Ban Tổ chức cũng trao 5 giải đặc biệt cho Ban nhạc có tuổi đời bình quân cao nhất, Ban nhạc có thời gian gắn bó với nhau lâu nhất, Ban nhạc gây ấn tượng nhất, Ban nhạc phối âm trẻ trung và Ban nhạc triển vọng,...

Sống lại thời hoàng kim

Hơn 10 năm trước, các ban nhạc sống hưng thịnh thì bây giờ dường như trở nên vắng bóng. Vì vậy, sự trở lại của các nhạc công trong liên hoan như sống lại thời hoàng kim của ban nhạc sống trên sân khấu với đầy đủ nhạc cụ: Trống, guitar bass, guitar solo, guitar thùng, organ 1, organ 2, organ (keyboard), kèn saxophone,...

Khi các nhạc cụ xuất hiện cùng lúc, cùng hòa âm trong từng giai điệu thì âm nhạc dường như được trả về đúng nghĩa, đầy đủ âm thanh thực và sinh động. Còn hiện nay, khi hát nhạc beat, karaoke di động “lên ngôi”, nhạc công chỉ cần 1 hoặc 2 nhạc cụ cũng có thể làm nên “bữa tiệc” âm nhạc. “Tuy nhiên, như thế là chưa hay, khi biểu diễn sẽ không “đầy”. Vì vậy, sau liên hoan, tôi hy vọng, các địa phương sẽ tập hợp các nhạc công, ban nhạc lại để chơi bài bản, nề nếp hơn nhằm góp phần đưa phong trào ban nhạc sống trở lại như xưa, qua đó nâng chất phong trào văn nghệ quần chúng” - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Cần Giuộc - Trần Đính cho biết.

Ngày nay, do nhu cầu thị hiếu và đời sống kinh tế phát triển nên muốn vui chơi, giải trí, chỉ cần gọi 1 hoặc 2 nhạc công, mang theo dàn loa đến tận nơi là có thể hát. Vì vậy, các ban nhạc sống “chết dần” và những nhạc công đam mê, có “thâm niên” nhiều năm chơi trong ban nhạc sống như anh Võ Khang Thái, ngụ thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa cũng băn khoăn. Anh Khang Thái biết đàn organ từ lúc 6 tuổi và vì yêu thích nên lớn lên, anh chọn học ngành Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Hiện tại, anh là giáo viên dạy nhạc của Trường THCS Đức Lập, huyện Đức Hòa. Theo anh Thái, ngày nay, việc tập hợp anh em trong ban nhạc khó khăn nên liên hoan là sân chơi, tập hợp các nhạc công trong ban nhạc, là sợi dây gắn kết, cùng nhau sinh hoạt lâu dài.

Đờn ca, hát xướng theo kiểu karaoke di động, lẻ tẻ vài nhạc công như hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ chứ chưa thể gọi là thưởng thức âm nhạc thực chất. Vì khi ban nhạc không đầy đủ, giai điệu sẽ thiếu tinh tế và hấp dẫn. Trong ban nhạc sống, trống và guitar bass là nhạc cụ chính, giữ nhịp cho ca sĩ và cây organ (keyboard) là linh hồn, kèn saxopone thì tha thiết, nồng nàn, lúc êm dịu, khi sâu lắng sẽ lôi cuốn người nghe vào từng nốt nhạc. Nếu những nhạc cụ này có mặt đầy đủ trong ban nhạc sống, ngoài ý nghĩa mang đến bữa tiệc tinh thần đặc sắc cho người hưởng thụ còn góp phần nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của người nghe. Điều này góp phần hạn chế tình trạng chơi nhạc lẻ tẻ, “biến tướng” thành karaoke di động hát vô tội vạ đêm ngày như hiện nay.

Sau nhiều đêm diễn, liên hoan khép lại với thông điệp ý nghĩa. Đó là những giai điệu tự hào về truyền thống mãi ngân vang, còn sức sống theo thời gian. Và, liên hoan cũng là sợi dây gắn kết các nhạc công, vực dậy các ban nhạc sống - những “hạt nhân” của phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết