Tiếng Việt | English

02/05/2022 - 10:32

Sự thật về hoàng tử Cải, thứ phi Lê Thị Răm trong 'Gió đưa cây cải...'

Câu chuyện về bà thứ phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải điển hình cho sự tương phản sâu sắc giữa truyền thuyết dân gian và thực tế lịch sử, nhưng đối với người dân Côn Đảo thì truyền thuyết đó sống mãi.

“Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, từ câu chuyện bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Cải ở Côn Đảo, một số cây bút khác gán ghép 2 câu ca dao trên để minh họa cho cái truyền thuyết mà họ sử dụng để lôi cuốn người đọc, đó là cố giải thích “rau răm” ở đây là tiêu biểu cho bà phi Lê Thị Răm và “cây cải” là hoàng tử Cải (?).

An Sơn miếu (Miếu Bà An Hải) tại Côn Đảo

T.L LÊ NGUYỄN

Côn Lôn ghi trong chánh sử chính là Côn Đảo

Trước tiên, phải khẳng định rằng nếu có ai muốn cho rằng “đảo Côn Lôn” trong chánh sử không phải là Côn Đảo ngày nay, phải có những tư liệu và lập luận đủ sức thuyết phục, cụ thể hơn hết, phải chứng minh được rằng “đảo Côn Lôn” đó là hòn đảo thật sự nào, tên gì trên vùng biển Đông Nam, khác với Côn Đảo hiện nay.

Với thuyết mà hầu hết mọi người ngả theo hiện nay, có những chi tiết đáng quan tâm hơn: Từ trước thời Việt Nam cộng hòa, ở Côn Đảo đã tồn tại các địa danh rất xưa: Hòn Bà gần Bến Đầm, núi Chúa gần thị xã,…

Một chi tiết cần nhắc lại là trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ, Côn Lôn (Nôn) đã là nhà tù do triều đình Huế thiết lập để giam giữ phạm nhân.

Riêng với chi tiết này thì mọi nghi ngờ cho rằng “đảo Côn Lôn” ghi trong chánh sử không phải là Côn Đảo ngày nay đều không còn có lý do tồn tại: Trong Đại Nam thực lục tập VII NXB Giáo dục – 2006, trang 771, ghi rõ điều khoản trong hòa ước Nhâm Tuất 1862: (nguyên văn) “Về 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và 1 xứ đảo Côn Lôn giao cho nước Phú quản hạt” (Phú là Phú Lãng Sa, tức Pháp).

Một bản đồ cổ vẽ riêng quần đảo Côn Đảo (Poulo-Condor)

NGUỒN: GALLICA.BNF.FR

Sau khi vào tay mình, thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù Côn Lôn cũ của triều đình Huế thành Pénitencier de Poulo-Condore (nhà tù Côn Nôn).

Vào năm 1783, sử Đại Nam thực lục ghi Nguyễn Ánh chạy Tây Sơn, ra đến đảo Côn Lôn, năm 1862, Đại Nam thực lục lại ghi Việt Nam nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp, đó là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy đảo Côn Lôn ghi trong chánh sử chính là Côn Đảo ngày nay.

Bà Phi Yến và hoàng tử Cải là truyền thuyết dân gian thuần túy

Về câu chuyện liên quan đến bà Phi Yến và hoàng tử Cải, có thể xác định đây chỉ là một truyền thuyết dân gian thuần túy, không có một gốc rễ nào trong lịch sử, vì các lý do sau:

Truyền thuyết kể rằng trong lúc tị nạn tại Côn Đảo (1783), chúa Nguyễn Ánh quyết định đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, và đó là lý do xảy ra việc chúa trừng phạt bà Phi Yến và hoàng tử Cải.

Song thực tế lịch sử cho thấy, sau khi thoát vòng vây Tây Sơn tại hòn đảo này, chúa mới gặp giám mục Bá Đa Lộc và sau đó mới bàn định việc cầu viện nước Pháp (Đại Nam thực lục – sđd – tr. 218)

Trong chánh sử hoàn toàn không có bà phi nào tên Răm và hoàng tử nào tên Cải. Hoàng tử Cảnh sinh năm 1780, lúc Nguyễn Ánh ra Côn Đảo, ông Cảnh mới ba tuổi. Một người em của hoàng tử Cảnh là hoàng tử Hy (sinh năm 1782), qua đời năm 1801, lúc 20 tuổi (tuổi ta). Như vậy, trong khoảng thời gian 1780 – 1783, hoàng tử Cảnh là con trưởng mới 3 tuổi và hoàng tử Hy mới 1 tuổi, chẳng có chỗ nào dành cho hoàng tử Cải cả.

Đó là chưa kể còn có hoàng tử Tuấn, cũng chết trẻ trước năm 1802 mà sử không xác định tuổi tác.

Biển chỉ dẫn đến Miếu Cậu ở Côn Đảo

T.L

Hai câu ca dao phổ biến dẫn trên chỉ là sự gán ghép thô thiển một chi tiết văn chương có thật với truyền thuyết có tính tưởng tượng của dân gian. Trên thực tế, rau răm là… rau răm và cây cải là cây cải, không dính dáng gì đến con người cả. Nếu có chăng, đấy chỉ là cách ám chỉ sự chia lìa của hai kẻ thân yêu, người này lìa xa cõi thế, để lại cho người kia nỗi trống vắng, đau buồn.

Phải nhìn nhận rằng câu chuyện về bà thứ phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải là điển hình của sự tương phản sâu sắc giữa truyền thuyết dân gian và thực tế lịch sử. Thế nhưng, với người dân Côn Đảo, truyền thuyết đó sống mãi, bất chấp thực tế lịch sử như thế nào.

Trong ngôn ngữ của họ, “Bà Cậu” là hai từ phổ biến nhất. Với họ, lời thề với sự chứng giám của Bà Cậu là lời thề độc địa nhất mà bất cứ ai thốt ra cũng với một tấm lòng thành. Và Bà Cậu đã trở thành hình tượng luôn răn đe, khuyên bảo con người phải biết sống tốt.

Dù không có bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Cải là thật nhưng từ rất lâu rồi, miếu Bà An Hải (Côn Đảo) luôn là nơi chiêm bái thường xuyên của cư dân trên đảo. Lễ hội vía Bà cũng là một trong những ngày trọng đại nhất của đảo. Dù chỉ dựa vào truyền thuyết, song lòng tín ngưỡng nhiệt thành của người dân Côn Đảo đối với hình tượng bà Phi Yến cũng có tác dụng tích cực giúp họ biết làm lành tránh dữ, còn hơn những thứ “tín ngưỡng” chỉ nhằm gây nên sự chia rẽ và sự thù hận./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết