“Cao tốc đồng bằng”
Đường tỉnh 819 (đường cặp kênh 79), nối từ QL62 về thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng với chiều dài 42km, có tổng nguồn vốn đầu tư 832 tỉ đồng. Tuyến đường này được triển khai thi công từ năm 2011 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Chỉnh cho biết, đường tỉnh 819 là công trình có kinh phí đầu tư lớn, mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh cho các địa phương của tỉnh: Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và cả tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, tuyến đường này đưa vào sử dụng mang lại sự thay đổi lớn cho huyện Tân Hưng.
Đường tỉnh 819 góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Tân Hưng và một số địa phương trong vùng phát triển
Từ khi tuyến đường 819 thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng góp phần giảm tải cho QL62 và đường tỉnh 831. Đi theo tuyến đường 819, khoảng cách từ thị trấn Tân Hưng về trung tâm tỉnh được rút ngắn hơn so với đi theo QL62, đường tỉnh 831 khoáng 10km. Ngoài ra, mặt đường rộng rãi, ít đoạn cua gấp nên rút ngắn thời gian di chuyển so với đường cũ.
Nếu cách đây hai năm, dọc tuyến đường này còn thưa thớt nhà dân thì bây giờ đã khác. Hai bên tuyến đường có nhiều nhà dân, quán giải khát và trạm xăng mọc lên…Con đường này được cánh lái xe ưu tiên chọn trong lộ trình xuyên qua khu vực này. Thời gian qua, anh Trần Văn Sơn, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng (tài xế xe du lịch) luôn chọn đường 819 để lưu thông mỗi khi có dịp đi Tân An hay Tp. HCM.
“QL62 đoạn qua các huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và đường tỉnh 831 qua Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng đã xuống cấp, mặt đường nhỏ hẹp, còn nhiều cầu sắt, gỗ. Trong khi đó, tuyến đường 819 hiện nay rộng rãi, cầu bê tông kiên cố nên rất thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản. Không chỉ vậy, đây còn là tuyến đường chiến lược an ninh, quốc phòng khi nối liền về các xã biên giới của huyện. Tuyến đường này đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng – Huỳnh Thanh Hiền cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng cho biết, mới đưa vào sử dụng không lâu nhưng lưu lượng người, phương tiện lưu thông qua tuyến đường này liên tục tăng lên. Mỗi lần đứng bên tuyến đường thấy người, phương tiện tấp nập qua lại; nhất là vào mùa vụ thu hoạch có rất nhiều xe tải dừng lại chở lúa mà thấy phấn khởi trong lòng.
Tuyến đường này có đặc trưng khác biệt với nhiều tuyến đường khác trong tỉnh khi chạy xuyên giữa cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, dọc bên đường có tuyến kênh 79… Vào mùa gieo sạ, thu hoạch, đi trên tuyến đường này, chúng ta như được hòa mình vào không khí lao động, sản xuất của nông dân. Còn vào mùa lũ, đi trên tuyến đường sẽ nhìn thấy cánh đồng trắng xóa nước, xen lẫn là hình ảnh người dân thả lưới, đặt lợp bắt cá...Bây giờ, nói đến tuyến đường 819, người dân Tân Hưng còn gọi với cái tên khác là “cao tốc Đồng Tháp Mười”.
Sân chơi giữa lòng thành phố
Đưa vào hoạt động từ tháng 2-2015 đến nay, Nhà Thiếu nhi Long An là điểm đến của nhiều thiếu nhi. Chiều, Nhà Thiếu nhi tỉnh nhộn nhịp, vui tươi hơn. Bên ngoài, khu vui chơi dịch vụ thiếu nhi thu hút khá nhiều em tìm đến vui chơi với nhiều trò: câu cá, thú nhún, ngựa đu quay... Còn trong sãnh lớn, các lớp nhảy hiện đại bắt đầu vào giờ học. Phòng học múa và một số môn khác như đàn, nhạc… cũng “lên đèn” phục vụ việc học tập, vui chơi của các em thiếu nhi.
Công trình Nhà thiếu nhi tỉnh có kinh phí đầu tư 46 tỷ đồng
Mong muốn con trẻ có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, chị Nguyễn Thị Vẹn ngụ Phường 6, thành phố Tân An thường đưa con gái đến nhà Thiếu nhi Long An vào mỗi buổi chiều. Chị Vẹn chia sẻ “Có một điểm đến vui chơi rộng rãi, khang trang ở thành phố thế này là rất tốt. Bây giờ, con gái mới 7 tuổi nhưng tôi đã cho cháu đến Nhà Thiếu nhi học múa. Sắp tới, tôi sẽ đăng ký cho cháu học tiếp môn vẽ”.
Nhìn lịch học các lớp võ, nhạc, múa, đàn… vừa khai giảng vào tháng 10-2017, hầu như, từ thứ 2 đến chủ nhật đều kín lớp. Hiện, số lượng thiếu nhi học tập, sinh hoạt thường xuyên tại Nhà thiếu thi tỉnh hơn 1.600 em. Điều này cho thấy, từ khi được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 46 tỷ đồng, Nhà Thiếu nhi đã phát huy hết “công suất”, công năng để mang đến một sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi giữa lòng thành phố.
Theo Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi – Lê Thị Hồng Thắm, trước đây, cơ sở vật chất còn khó khăn, các lớp này chưa đa dạng thể loại, một số duy trì “cầm chừng” nên chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của thiếu nhi. Việc xây dựng, đưa vào sử dụng Nhà Thiếu nhi tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lớp năng khiếu.
Nhà Thiếu nhi được xây dựng gồm khối nhà chính, hệ thống cấp thoát nước, sân, đường, hàng rào, nhà bảo vệ, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, nhà xe. Trong đó, Khu nhà chính gồm: Khu hành chính, đại sãnh triển lãm, thư viện và 25 phòng học bộ môn... |
Với những mong muốn và hiệu quả mang lại, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 chọn Nhà Thiếu nhi tỉnh làm công trình trọng điểm là đúng đắn! Bởi Nhà Thiếu nhi tỉnh đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chăm sóc thanh thiếu nhi tỉnh nhà, nhất là thiếu nhi ở thành phố Tân An và khu vực lân cận. Tại đây, nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm năng khiếu có điều kiện sinh hoạt, ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
Công trình giáo dục ý nghĩa
Là 1 trong 9 công trình trọng điểm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX, nhiệm kỳ 2010-2015, trường THPT Chuyên Long An vừa là nơi ươm mầm tài năng, vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An – Trần Văn Chín, trường THPT Chuyên thành lập trên cơ sở tách từ hệ chuyên của Trường THPT Lê Quý Đôn vào năm 2009.
Lúc trước, trường mượn tạm một dãy phòng của Trường THPT Tân An để dạy, học. Phòng học thiếu, các phòng chức năng, thí nghiệm, nghiên cứu chưa có nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Năm 2014, công trình trường THPT Chuyên Long An khởi công xây dựng trên diện tích gần 4ha, có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo cho gần 1.300 học sinh. Hiện tại, công trình hoàn thành với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng, tạo ra môi trường dạy, học thuận lợi, tốt hơn cho giáo viên và học sinh.
Trường THPT chuyên Long An được xây dựng khang trang
Hiện tại, trường THPT Chuyên Long An có 33 phòng học, 17 phòng chức năng và khu ký túc xá với hơn 840 giường. So với thời gian trước, các phòng học rộng rãi, thoáng mát; các phòng thí nghiệm, thực hành cũng đầy đủ trang, thiết bị hơn. Hiện tại, trường có máy cấy vi sinh hiện đại để học sinh nghiên cứu. Việc trang bị các loại máy móc giúp học sinh được học đi đôi với hành, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo của trường. Đây cũng là cơ sở, động lực để trường tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và ngày càng thu hút học sinh tham gia thi tuyển vào. Hiện tại, trường có 764 em đang theo học. Em Nguyễn Trọng Phúc lớp 10T2 chia sẻ: “Ở đây, em được học tập trong môi trường khang trang, hiện đại. Bên cạnh học lý thuyết, tụi em được thực hành nhiều hơn và việc nghiên cứu khoa học cũng thuận lợi hơn”.
Từ môi trường học tập tốt ở trường THPT Chuyên Long An, chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng nâng cao. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Trường THPT Chuyên Long An có 100% học sinh đậu tốt nghiệp và có 96,8% học sinh đậu đại học đợt 1. Trong đó, nhiều học sinh đậu vào các trường đại học có điểm chuẩn khá cao: Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM…
Để phát huy hiệu quả công trình trọng điểm, thầy Trần Văn Chín nhấn mạnh: “Thời gian tới, tập thể trường THPT Chuyên Long An tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó, tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi để nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn, đồng thời tạo tư duy nghiên cứu khoa học ở lứa tuổi học sinh”.
Điểm qua 3/9 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng từ trí tuệ tập thể của Đảng bộ tỉnh Long An. Mỗi công trình một lĩnh vực đều để lại những dấu ấn trong đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có dấu ấn của sự sáng tạo, đổi mới./.
Lê Đức – Thùy Hương