Tiếng Việt | English

24/03/2016 - 08:28

Tai nạn lao động, cháy nổ vẫn luôn rình rập

Tại nạn lao động và cháy nổ vẫn luôn tiềm ẩn và có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Đằng sau những vụ tai nạn lao động, vụ cháy là nỗi đau âm ỉ kéo dài.


Hiện trường tan hoang sau một vụ cháy nhà xưởng sản xuất ở huyện Đức Hòa năm 2015.  Ảnh:Vũ Quang

Tai nạn lao động - nỗi đau còn mãi

Cuối năm 2014, trong một lần khiêng vật liệu tại công trình xây dựng ở TP.Tân An, chị M. (SN 1985), ở TP.Tân An bị trượt chân ngã từ trên cao xuống đất tử vong. “Khi nghe tin M. bị tai nạn, chúng tôi không tin nổi đó là sự thật. Trong những ngày tổ chức tang lễ và những ngày sau đó, người thân ai cũng khóc hết nước mắt. M. ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại đứa con gái mới bập bẹ tập nói” - một người thân của chị M. xót xa kể lại.

Kể từ khi chị M. mất, trong căn nhà gạch cấp 4 vài chục mét vuông do 2 vợ chồng tích góp, vay mượn để xây trở nên vô cùng buồn bã, hiu quạnh. Hằng ngày, chồng của chị là anh T. phải đi buôn bán phụ người thân để nuôi con. Đứa con nhỏ gửi ngoại trông coi. Anh T. nói: “Nhiều lần đi làm về, thấy con đứng trước di ảnh mẹ nhìn chăm chăm, tôi như chết lặng!”.

Cũng vì tai nạn lao động, ông Nguyễn Thế Phương (SN 1965), ngụ ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An đã mất đi một phần thân thể. 18 năm về trước, trong một lần điều khiển máy khoan giếng ở địa bàn huyện Bến Lức, do sơ suất, ông bị điện giật cháy sém 2 tay. Dù được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng cánh tay trái vẫn phải cắt bỏ đến khuỷu tay, còn tay phải cắt bỏ ngón tay cái và những ngón khác cũng rất khó cử động. 18 năm qua, mọi gánh nặng của gia đình dồn hết lên vợ ông - bà Dương Thu Thu. Bà Thu hiện là công nhân đánh nhám ở một xưởng gỗ gần nhà.

Ông Phương cho biết: “Do kinh tế khó khăn nên mấy năm trước, con gái phải nghỉ học khi mới lớp 8 để tập trung lo cho anh trai nó, hiện đang học trường cao đẳng ở TP.HCM. Nhiều đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, thương vợ, thương con nhưng thân thể tàn tật, không thể làm giúp được gì. Giá như ngày đó, tôi làm việc cẩn thận hơn để không phải bị điện giật, cắt bỏ cánh tay, có lẽ hiện nay, cuộc sống gia đình tôi không đến nỗi vất vả”.


Nhà xưởng của một công ty ở TP.Tân An bị lửa thiêu rụi năm 2014

Thiệt hại lớn

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra cháy. Trong đó, vụ cháy thiêu rụi hoàn toàn căn nhà của ông Nguyễn Văn Đùng, ở ấp Cả Bát, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng; vụ cháy 18 sạp hàng của chợ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, thiệt hại trên 4 tỉ đồng. Theo nhận định ban đầu, khả năng những vụ cháy trên đều do chập điện.

Ông Nguyễn Văn Đùng buồn bã cho biết: “Sau bao năm tích góp, vậy mà toàn bộ tài sản bị thiêu rụi trong phút chốc. Sau vụ cháy, gia đình tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn”. Sau khi vụ cháy xảy ra, lãnh đạo xã, huyện đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình ông hơn 5 triệu đồng. Còn bà Phạm Thị Chi, tiểu thương chợ Hậu Thạnh Đông chưa hết hoảng loạn: “Gia đình tôi vừa kinh doanh, vừa ở lại trong sạp, ai ngờ, chỉ sau một đêm trở nên trắng tay. Toàn bộ hàng hóa, vật dụng của gia đình như ti vi, tủ lạnh và tài sản tích góp bấy lâu đều thành tro bụi, tôi mất trắng trên 300 triệu đồng”.

Theo Đại tá Trần Văn Tiến - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, khi xảy ra cháy, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nhất là cháy các công ty, nhà xưởng. Hiện nay, đang vào mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy ở các đơn vị, doanh nghiệp, nhà ở, chợ càng cao. Vì thế, người dân, doanh nghiệp, tiểu thương,... cần quan tâm đến công tác PCCC. Đó cũng là việc làm thiết thực để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, gia đình và cho những người khác.


Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập chữa cháy

Để đề phòng cháy nổ, về phía lực lượng PCCC-CNCH Công an tỉnh tăng cường phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC trong cộng đồng vào thời điểm mùa khô. Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH cũng tăng cường tổ chức các khóa tập huấn PCCC cho các đội phòng cháy tại chỗ ở các chợ, công ty, xí nghiệp,... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, các chợ. Qua đó, chúng tôi sẽ chỉ ra những thiếu sót, hạn chế để khắc phục và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm.

“Đa số các vụ cháy ở nhà dân, chợ, công ty, nhà xưởng đều do chập điện. Nguyên nhân chập điện thường do dây diện xuống cấp, bị hở, dây điện nằm sát với hàng hóa. Vì thế, mong rằng, người dân, ban quản lý các chợ, doanh nghiệp quan tâm bố trí lại hệ thống điện cho an toàn; nếu đường điện cũ, xuống cấp thì cần thay thế mới” - Đại tá Trần Văn Tiến lưu ý.

Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 181 vụ tai nạn lao động làm chết 20 người; đa số các vụ tai nạn chết người chủ yếu liên quan đến điện giật, ngã từ trên cao, hàng hóa rơi trúng (so với năm 2014, tăng 15 vụ, tăng 3 người chết). Ngoài ra, năm 2015 xảy ra 19 vụ cháy, thiệt hại gần 59 tỉ đồng (giảm 3 vụ, giảm thiệt hại gần 41,2 tỉ đồng); các vụ cháy xảy ra chủ yếu do chập điện.

Theo Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trên thực tế, số vụ tai nạn lao động xảy ra chắc chắn sẽ cao hơn con số trên. Tuy nhiên, do doanh nghiệp, đơn vị không báo cáo cho ngành chức năng mà tự thỏa thuận giải quyết với người lao động nên ngành chức năng cũng không nắm được. Các vụ tai nạn lao động xảy ra thường do đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác an toàn lao động, ngoài ra, người lao động cũng có phần chủ quan, lơ là với việc chấp hành ATVSLĐ.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết