Tiếng Việt | English

09/02/2021 - 13:00

Tân Thạnh: "Trái ngọt" trên quê hương cách mạng

Năm nay, người dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đón một cái tết sung túc và tràn đầy niềm vui vì những cánh đồng lúa tươi tốt, vườn cây ăn trái trĩu quả hứa hẹn một mùa bội thu sắp đến.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được tham quan các sản phẩm từ chuyển đổi cây trồng của huyện Tân Thạnh

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được tham quan các sản phẩm từ chuyển đổi cây trồng của huyện Tân Thạnh

Thay đổi tập quán sản xuất

Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh kiên cường bám đất, bám làng, đấu tranh giữ gìn hòa bình, độc lập của dân tộc. Sau khi hòa bình, Tân Thạnh ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức canh tác lạc hậu,... 

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 28/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) về tiếp tục xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, giai đoạn 2015-2020, huyện đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, Tân Thạnh có 13.864ha lúa chất lượng cao thuộc địa bàn 5 xã: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa. Qua đó, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất trên cùng một diện tích canh tác từ 20-30%. 

Gia đình ông Đỗ Văn Phi, ngụ xã Hậu Thạnh Đông, vươn lên làm giàu nhờ mạnh dạn tham gia vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao. Ông Phi trải lòng: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống như sạ lúa càng dày càng trúng, bón nhiều phân, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để lúa phát triển, vì thế tốn chi phí và công lao động nhiều nhưng hiệu quả lại thấp,... Sau khi tham gia vùng lúa chất lượng cao, tôi được tập huấn về các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như bình quân 1ha chỉ sạ từ 100kg lúa giống trở xuống, đưa cơ giới vào đồng ruộng, ghi nhật ký canh tác,... Nhờ vậy, gia đình tôi có lợi nhuận cao hơn 30% trên cùng một diện tích canh tác. Mấy năm nay, gia đình tôi đều trồng lúa trúng mùa, trúng giá nên ăn tết lớn”.

Các đại biểu tham quan sản phẩm từ chuyển đổi cây trồng của huyện Tân Thạnh

Các đại biểu tham quan sản phẩm từ chuyển đổi cây trồng của huyện Tân Thạnh

Tận dụng đất vườn tạp, chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang các loại cây khác phù hợp với nhu cầu của thị trường đã giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Được biết, huyện có tổng diện tích cây ăn trái trên 1.520ha, trong đó mít 1.356ha, sầu riêng trên 78ha, chanh trên 60ha, mãng cầu gần 9ha, thanh long 7,5ha,... Hiện nay, nhiều loại cây ăn trái đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân hơn trồng lúa. Cụ thể, 392ha mít cho trái, sản lượng trên 61.000 tấn/năm, giá bán trung bình từ 10.000-32.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 90-220 triệu đồng/ha/năm; 19,5ha chanh cho trái, sản lượng thu hoạch đạt 300 tấn/năm, giá bán từ 7.000-22.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 45-125 triệu đồng/ha/năm. 

Nỗ lực trở thành huyện phát triển nhanh trong vùng Đồng Tháp Mười

Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp về huyện Tân Thạnh. Tại đây, chúng tôi thấy được sự đổi thay từ diện mạo nông thôn đến đời sống và cách làm nông nghiệp của người dân. Ông Trần Văn Tiểu (xã Tân Ninh) bộc bạch: “Gia đình tôi trồng hơn 2ha cây ăn trái xen canh cây kiểng nhưng rất nhẹ công chăm sóc. 

Tôi chỉ cần bật cầu dao điện thì hệ thống tưới nước tự động sẽ được khởi động, còn ngồi ở nhà chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có thể quan sát được vườn cây ăn trái qua camera. Nhờ mạnh dạn đầu tư, chịu khó lao động, gia đình tôi nói riêng, những người nông dân khác nói chung đã thu được quả ngọt. Cuộc sống nông dân dựa vào cây ăn trái rất ổn định và vươn lên khấm khá”.

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo thông tin: “Có thể thấy, những năm qua, người dân đã thay đổi tập quán canh tác, biết tận dụng lợi thế sẵn có ở địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Qua đó, đời sống người dân được nâng lên; đồng thời, mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp huyện nhà. Điều này đã góp phần tích cực cho năm 2020 huyện thực hiện đạt và vượt 22/23 chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra.

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt và hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề và thông qua 18 chỉ tiêu nghị quyết năm 2021. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung tháo gỡ khó khăn trên từng lĩnh vực; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025; thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; phát huy và sử dụng hợp lý các nguồn lực, xúc tiến đầu tư, kêu gọi phát triển thương mại, dịch vụ, xã hội hóa xây dựng cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch kêu gọi thu hút đầu tư cụm công nghiệp quy mô 150-200ha; tiếp tục phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đa dạng hóa phương thức tập hợp đoàn viên, thanh niên phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,... Đặc biệt, huyện quyết tâm phấn đấu trở thành địa phương phát triển nhanh trong các huyện vùng Đồng Tháp Mười".

Một mùa xuân mới lại về, những cánh đồng lúa xanh tốt, vườn cây trĩu quả đang vươn mình đón nắng xuân. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ không ngừng được nâng cao và huyện sẽ sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết đã đề ra./.

- Nhóm chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trên 4.330 tỉ đồng, đạt trên 107,26% kế hoạch; sản lượng lương thực đạt trên 453.000 tấn, đạt trên 113,25% kế hoạch; thu ngân sách đạt trên 94 tỉ đồng, đạt 112,33% dự toán; bêtông hóa (hoặc trải đá) tuyến đường giao thông phù hợp chuẩn nông thôn mới được 31km, đạt 155% kế hoạch,...
- Nhóm chỉ tiêu văn hóa - xã hội: 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% kế hoạch; 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; hộ nghèo còn 2,45%,... 
- Nhóm chỉ tiêu xây dựng hệ thống chính trị: MTTQ, các đoàn thể cấp huyện đạt đơn vị vững mạnh; kết nạp đảng viên đạt 81/80, đạt 101,3% kế hoạch,...

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết