Tiếng Việt | English

29/09/2021 - 12:10

Tân Trụ 'về đích' huyện nông thôn mới

Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đạt 9/9 tiêu chí, chờ Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (XDNTM) vào cuối năm 2021. Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng với tinh thần quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM.

Đường tỉnh 832 mở ra hướng phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho huyện Tân Trụ

Đường tỉnh 832 mở ra hướng phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho huyện Tân Trụ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài, mặc dù phải “căng mình” chống dịch nhưng Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện vẫn không quên nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng hoàn thiện và giữ vững những tiêu chí để bảo đảm tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM và đón nhận danh hiệu huyện NTM vào cuối năm 2021.

Với hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) và thủy lợi hoàn chỉnh kết nối trực tiếp với các trục đường chính của tỉnh, KT-XH của huyện không ngừng tăng trưởng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế vẫn tăng trưởng bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tìm đầu ra ổn định cho nông sản,...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Thanh Liêm cho biết: “Tân Trụ bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM từ năm 2011. Sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện chương trình, đến nay, Tân Trụ đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM, 9/9 xã đạt chuẩn NTM”.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của người dân, bộ mặt nông thôn của huyện Tân Trụ ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về thương mại - dịch vụ, giao thông - thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,... được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới; các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa 100% (35,9km), 100% đường trục xã, liên xã và đường xóm, ấp (226,4km) được bêtông hóa. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,79 triệu đồng. Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 100%, trong đó có hơn 77% hộ sử dụng nước sạch. Hộ nghèo năm 2020 giảm chỉ còn 1,82% (so với năm 2011 là 6,52%).

Cánh đồng lúa ứng dụng công nghệ cao ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ

Cánh đồng lúa ứng dụng công nghệ cao ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã trở về quê hương đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy KT-XH ở địa phương ngày càng phát triển. Điển hình như Bác sĩ Châu Văn Đính - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ 700 triệu đồng xây dựng mới cây cầu Bà Mười nối xã Tân Phước Tây và xã Nhựt Ninh. Cây cầu đã xây dựng hoàn thành và chuẩn bị khánh thành.

Huyện hiện có 28/29 trường đạt chuẩn quốc gia, 9/9 xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn. Chất lượng khám và điều trị bệnh được nâng cao, người dân trên địa bàn huyện tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài thông tin thêm: “Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông được giữ vững, toàn huyện không để xảy ra vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, an ninh, trật tự được bảo đảm ổn định, đặc biệt huyện luôn giữ được là “vùng xanh” an toàn của tỉnh trong chống dịch”. Công tác bảo vệ môi trường cũng được quan tâm, điểm nhấn là toàn huyện đã tổ chức trồng trên 13.000 cây hoàng yến ven tuyến đường tỉnh, hương lộ kết hợp trồng các loại hoa tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Ngoài việc phát triển ổn định thế mạnh về nông nghiệp, huyện còn tập trung cho Dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân, đến nay đã khởi công và san lấp mặt bằng được 50,2/119,2ha. Khu công nghiệp An Nhựt Tân đi vào hoạt động sẽ là tiền đề chuyển sang huyện công nghiệp, tạo đà giải phóng mặt bằng tiếp 4 cụm công nghiệp, tạo lợi thế mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án trong thời gian tới. Phố đêm Tân Trụ với hơn 50 gian hàng hoạt động là một điểm nhấn thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, với địa hình được bao bọc bởi 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thơ mộng với những hàng cau xanh mát, đường hoa rực rỡ cùng các khu di tích ghi dấu lịch sử hào hùng của dân tộc như miễu Ông Bần Quỳ, khu Đám lá tối trời, đình thần Tân Phước Tây, Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Vàm Nhựt Tảo (nơi tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực), những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm trống, dệt chiếu,... Tân Trụ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Với định hướng đưa du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế trọng điểm, huyện tập trung đầu tư và kêu gọi khai thác “Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh”.

Trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của nông dân sản xuất giỏi - Trần Văn Đê, ngụ ấp 5, xã Tân Phước Tây

Trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của nông dân sản xuất giỏi - Trần Văn Đê, ngụ ấp 5, xã Tân Phước Tây

Nhìn về tương lai, Đường tỉnh 827E (kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang) - một trong những công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đi qua địa bàn huyện sẽ hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển vượt bậc trong thời gian không xa.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Thanh Liêm cho biết thêm: “Phát huy truyền thống của quê hương Tân Trụ anh hùng, với tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, phát huy các tiềm năng và không ngừng khai thác các lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu có 5 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và đến năm 2025 sẽ đạt huyện NTM nâng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra”./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết