Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 03:35

Tăng tuổi nghỉ hưu: Ai xứng đáng được tăng?

Tăng tuổi nghỉ hưu không nhất thiết phải tăng đều ở tất cả các đối tượng, lĩnh vực mà nên căn cứ vào nhu cầu thực tế.

Báo chí nói nhiều đến đề xuất của Bộ LĐ-TB và XH tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Lẽ ra, đề xuất này phải nhận được sự ủng hộ của dư luận, vì một trong các mục đich tốt đẹp được đề cập tới là “tận dụng tốt nguồn nhân lực”. Nhưng vì sao lại vấp phải sự phản đối nhiều hơn hưởng ứng? Điều mà nhiều người lo ngại nhất là lợi ích nhóm, là tham quyền cố vị, là năng lực thực sự của nguồn nhân lực…


Tăng tuổi nghỉ hưu có mất cơ hội việc làm của giới trẻ?

Với câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, điều dễ thấy, dễ trả lời nhất hiện nay là nhân lực của chúng ta có quá nhiều vấn đề cần phải chỉnh đốn, nâng cấp. Cụ thể, với một lực lượng hùng hậu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng nhiều năm qua, hệ thống các cơ quan công quyền luôn bị kêu ca là trì trệ, kém hiệu quả. Vậy, kéo dài tuổi nghỉ hưu của những đối tượng này liệu có ổn? Đấy là chưa kể, cán bộ công chức có tới 1/3 số người “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thì thử hỏi số này nếu giỏi “chạy chọt” còn kéo dài thêm vài năm nữa thì lại là “đại họa” cho đất nước chứ không phải là “tận dụng nguồn nhân lực” như mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

Trong lúc ở nước ta câu chuyện về tư duy nhiệm kỳ còn quá lớn thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng có nghĩa là kéo dài nhiệm kỳ của một ai đó. Lãnh đạo đó, con người đó, nếu là người cấp tiến, biết tiếp thu cái mới, có trình độ, năng lực, vì cái chung… thì chẳng ai tiếc, chẳng ai phải đắn đo làm gì, nhưng trong số hàng nghìn, hàng triệu con người được phép kéo dài tuổi nghỉ hưu kia có bao nhiêu người có được những tố chất quý giá cần được tiếp tục phát huy.

Giữ ai và ai cần phải thải loại, thì chính các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động phải nắm rõ hơn cả. Không cần phải có chính sách này, qui định kia rầm rộ, đã có nhiều Bệnh viện, cơ quan nghiên cứu khoa học giữ lại những cán bộ quản lý có chuyên môn giỏi để tiếp tục làm việc, cống hiến cho cơ quan mình, giúp ích cho xã hội. Một người có năng lực thực sự thì không cần phải có luật nào qui định họ vẫn được mời chào, còn sức khỏe còn được cống hiến. Nhưng có những người giỏi đấy nhưng tâm tính chẳng ra sao, nhân viên trong cơ quan chỉ muốn “đẩy” về hưu sớm thì liệu có nên giữ lại?

Chính sách bảo hiểm xã hội đối phó với dân số già không có nghĩa là phải đưa tất cả người già ngồi lại hệ thống. Những gì chúng ta đang đối mặt hôm nay xuất phát từ việc quản lý nhà nước yếu kém, do kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Bằng chứng là, nhiều cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đều đặn lĩnh lương, không bị thải loại ra khỏi bộ máy. Đến kỳ lại vẫn được tăng lương. Làm việc ở cơ quan Nhà nước được coi như một loại “bảo hiểm” không bao giờ sợ đứt. Chính vì thế, lâu nay đã hình thành trong mọi người suy nghĩ “vào nhà nước cho ổn định”.

Cùng một lúc, chúng ta phải giải quyết hài hòa các vấn đề: nguồn nhân lực, tiền lương. Nguồn nhân lực hiện nay quá dàn trải, không có chất lượng, đông người nhưng năng lực yếu kém. Vì đông người nên cách tính lương theo hướng cào bằng, chênh lệch giữa người làm việc, cống hiến và người ngồi chơi xơi nước không rõ rệt. Vì lương thấp nên cán bộ, công chức khi có cơ hội là sách nhiễu người dân, vòi vĩnh, gây khó dễ. Chính vì thế mà hình ảnh công chức viên chức trong mắt người dân ngày thêm “méo mó”.

Tăng tuổi nghỉ hưu cho ai và ai cần, ai xứng đáng được tăng… nên để thực tế công việc, nhu cầu xã hội trả lời!./.

VOV

Chia sẻ bài viết