Bài 2: Phát triển đội ngũ cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới
Thời gian qua, tỉnh luôn có sự quan tâm công tác cán bộ (CB) nói chung và công tác CB nữ nói riêng. Nhiều chủ trương, giải pháp phát triển đội ngũ CB nữ trong hệ thống chính trị được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Tại các địa phương, việc tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng và công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ PN được triển khai phù hợp tình hình thực tiễn.
Quan tâm, phát triển cán bộ nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ
CB nữ có trình độ chuyên môn cao, có tư duy, năng lực công tác tốt, nhạy bén trong công việc chính là lực lượng quan trọng trong quá trình xây dựng đội ngũ CB tại địa phương. Do đó, việc nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức cách mạng để hoàn thiện nhân cách CB nữ là hết sức cần thiết. Bản thân mỗi CB lãnh đạo, quản lý nữ phải phấn đấu trở thành những “công bộc” hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2020 - 2025, cán bộ nữ chiếm 24,4% (10/41 đồng chí). Ảnh: Thanh Nga
Xác định được tầm quan trọng trong phát triển CB nữ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai, quán triệt đề án, chủ trương, nghị quyết và các quy định của Trung ương, tỉnh, địa phương về công tác CB, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tạo nguồn CB trẻ, CB nữ trong thời kỳ mới, từ đó đem lại hiệu quả tích cực. Tại TP.Tân An, thông qua việc thực hiện tốt các chủ trương này, Thành ủy, UBND thành phố tuân thủ tốt các quy trình về bổ nhiệm CB, bảo đảm CB được bổ nhiệm phải hội tụ đủ đức, đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên. Những CB nữ được tín nhiệm, giữ cương vị lãnh đạo, quản lý tạo được sức bật, không chùn bước trước khó khăn; ham học hỏi, giàu nhiệt huyết, quyết đoán, đột phá; giải quyết hiệu quả những việc khó khăn, “vấn đề nóng” tại địa phương, đơn vị.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tân An - Lê Thị Khuyên, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm công tác tạo nguồn CB trẻ, CB nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ và suốt quá trình công tác CB. Cụ thể, thành phố chủ động thực hiện tốt công tác CB; cân nhắc, cân đối trong tuyển dụng đầu vào CB trẻ; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp ủy làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; ưu tiên CB nữ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Công tác quy hoạch bảo đảm CB nữ đạt và vượt cao theo Hướng dẫn số 15/HD/BTCTW, ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch CB, lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, thành phố cũng mạnh dạn bố trí, đề bạt, bổ nhiệm CB trẻ, CB nữ có trình độ, năng lực, nổi trội lên cấp trưởng hoặc các chức danh lãnh đạo chủ chốt khác. Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy cũng trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của CB, nhất là quan tâm đặc biệt với CB nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay. Nhìn chung, tỷ lệ CB trẻ, CB nữ trong hệ thống bộ máy thành phố cơ bản bảo đảm từ 43% trở lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay.
Tại TP.Tân An, cán bộ nữ được tín nhiệm, giữ cương vị lãnh đạo, quản lý rất trách nhiệm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Mai Thị Xuân Phương kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em)
Những năm gần đây, đội ngũ CB nữ của thành phố và xã, phường tham gia cấp ủy, giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của HĐND và UBND ngày càng cao; cấp ủy tại một vài đơn vị, địa phương có trên 50% CB nữ; đối với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, CB nữ chiếm 24,4% (10/41 đồng chí); Ban Thường vụ Thành ủy có 3/10 CB nữ, chiếm 30%. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình lãnh đạo thực hiện còn một số định kiến đối với CB nữ, CB trẻ; nhất là việc đánh giá “thiếu” kinh nghiệm quản lý, “yếu” trong công tác đối ngoại.
Vì vậy, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh, cùng tư duy mới và cách làm hiệu quả, Đảng bộ và chính quyền TP.Tân An tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, việc quy hoạch, bố trí, sử dụng CB phải chú trọng vào CB trẻ, CB nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Không được xem đây chỉ là giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt hay nhiệm vụ cụ thể mà phải xác định đó là chiến lược dài hạn về nguồn lực CB. Một vấn đề quan trọng là CB trẻ, CB nữ phải không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức cách mạng, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Phát triển nguồn cán bộ nữ
Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ CB là nhiệm vụ then chốt, công việc hệ trọng, những năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giuộc tập trung lãnh, chỉ đạo công tác tạo nguồn, xây dựng đội ngũ CB nữ trong hệ thống chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ CB trẻ, phát huy vai trò CB nữ. Qua đó, tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở với phương châm “xã mạnh thì huyện mạnh”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giuộc chỉ đạo các địa phương, đơn vị chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đối với CB trẻ, CB nữ, trẻ hóa đội ngũ CB, công chức cấp cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện cử hơn 950 lượt CB, trong đó có nhiều CB trẻ, CB nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước,... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng CB trẻ, CB nữ tại cơ sở.
Huyện Cần Giuộc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở (Trong ảnh: Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cần Giuộc - Võ Quốc Thanh làm việc với xã Thuận Thành)
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cần Giuộc - Võ Quốc Thanh cho biết: “Nhằm phát triển nguồn CB có đức, có tài, triển vọng về năng lực lãnh đạo, quản lý, huyện chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, tăng cường giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với CB trẻ, CB nữ có năng lực. Hiện số lượng CB nữ tham gia cấp ủy cơ sở chiếm 27,17% (92,9% xã, thị trấn có CB nữ tham gia cấp ủy). CB nữ giữ chức vụ trưởng phòng cấp huyện là 25,93%; phó trưởng phòng cấp huyện là 26,83%; bí thư cấp ủy xã, thị trấn là 26,67%; chủ tịch UBND xã, thị trấn là 13,33%; phó chủ tịch HĐND, UBND xã, thị trấn là 39,53%”.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác PN, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bố trí công việc phù hợp đã tạo môi trường thuận lợi để CB nữ thể hiện hết năng lực, sở trường trong công tác. Từ đó, động viên CB nữ phấn đấu học tập nâng cao trình độ, phát triển bản thân, góp phần ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của PN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đất nước./.
(còn tiếp)
Ngọc Mận - Phạm Ngân - Huỳnh Hương
Bài cuối: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý