Nhiều dự án lớn được khởi công
Long An là tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam và là địa phương thứ 10 cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực,…; đồng thời, trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050.
Thông tin từ UBND tỉnh, việc triển khai Quy hoạch tỉnh trong thời gian qua được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sau khi tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tháng 7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 58-CT/TU, ngày 07/11/2023 về tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng đối với công tác triển khai Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND, ngày 02/5/2024 về Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy khảo sát dự án công trình trọng điểm Đường tỉnh 827E, một trong những trục động lực trong Quy hoạch tỉnh
Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ khi triển khai Quy hoạch tỉnh đến nay, riêng trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,82%, đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm sáng nổi bật trong năm nay, tỉnh tiếp tục thu hút, khởi công nhiều DA công nghiệp, thương mại, đô thị có vốn đầu tư lớn, kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm như Nhà máy Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, Trung tâm thương mại Aeon Tân An, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn, Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây,... và chấp nhận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng và Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư 6 trục động lực tại Quy hoạch tỉnh như đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, Đường tỉnh 827E, trục động lực Lương Hòa - Bình Chánh,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DA được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nhiều công trình, DA lớn được khởi công tạo khí thế mới, động lực mới cho tỉnh, mở ra không gian phát triển, tạo việc làm cũng như cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ quan trọng để các sở, ngành tỉnh, các địa phương xây dựng quy hoạch cấp dưới theo Luật Quy hoạch như quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện,...”.
Tập trung triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, để Quy hoạch tỉnh phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh. Sở phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng bộ tài liệu và tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh nắm rõ định hướng trong quy hoạch, xem đây là yêu cầu để cán bộ, công chức, viên chức phải có tư duy - hành động mới, có động lực làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời, Sở chủ động xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND, ngày 02/5/2024 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong chương trình hành động, tỉnh xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, bao gồm phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội; quy hoạch xây dựng vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,... Cùng với giải pháp, UBND tỉnh cũng phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai quy hoạch; xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, DA để xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, Sở phối hợp các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện rà soát, lập mới, điều chỉnh các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành kỹ thuật, quy hoạch đô thị, nông thôn để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, làm cơ sở thực hiện và thu hút đầu tư.
Tỉnh Long An đang tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, chủ trương của tỉnh tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể. Bên cạnh đó, hiện tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên các lĩnh vực quan trọng của tỉnh cũng như tập trung các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Trương Văn Liếp khẳng định, trong thực hiện Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần, xem con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển nhằm đạt mục tiêu cuối cùng trong quy hoạch đã đề ra: “Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc” ./.
Kiên Định