Công trình đường Vành đai TP.Tân An hoàn thành và đưa vào sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của TP.Tân An và các huyện lân cận
Huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông - vận tải
Thông tin từ Sở GTVT, tiếp nối những kết quả trong các nhiệm kỳ vừa qua, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống GTVT, phục vụ phát triển KT-XH.
Trong nhiệm kỳ này, tỉnh xác định đầu tư 3 công trình trọng điểm gồm hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830E và ĐT827E (xây dựng đường dẫn và 3 cầu trên ĐT827E).
Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI cũng xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 3 chương trình đột phá.
Đến nay, công trình đường Vành đai TP.Tân An chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Đây cũng là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của TP.Tân An và các huyện lân cận.
Qua gần 1 năm khai thác cho thấy tuyến đường này đóng góp tích cực vào việc giảm áp lực giao thông trên các tuyến Quốc lộ (QL) 1, tuyến tránh QL1, QL62 đoạn qua TP.Tân An và các trục đường nội ô, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp cao điểm lễ, tết.
Công trình ĐT830E, tiến độ thi công hiện có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn vị thi công huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ.
Các gói thầu tại đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm và từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến QL1 đều đạt từ 23% đến hơn 40%. Riêng dự án (DA) ĐT827E, cuối tháng 7/2024, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với DA đường dẫn vào 3 cầu trên ĐT827E và DA xây dựng 3 cầu trên ĐT827E.
Đối với các DA thuộc chương trình đột phá, hiện có 2 DA hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm nút giao QL62 - đường Hùng Vương (TP.Tân An); nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua 1 đến cầu Kênh Ranh (huyện Đức Hòa); đồng thời, DA đường Lương Hòa - Bình Chánh đã khởi công và đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngoài ra, tỉnh đang triển khai các DA giao thông quan trọng quốc gia như DA đường Vành đai 3 TP.HCM, DA đường Vành đai 4 TP.HCM cùng nhiều công trình giao thông lớn có tính liên kết vùng như ĐT823D, đường Tân Tập - Long Hậu, ĐT822B, ĐT830C,…
Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải được giao làm chủ đầu tư 58 danh mục dự án với tổng số vốn hơn 11.030 tỉ đồng
Theo thống kê của Sở GTVT, giai đoạn 2021-2025, Sở được giao làm chủ đầu tư 58 danh mục DA với tổng số vốn hơn 11.030 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2024, số vốn được giao để xây dựng kết cấu hạ tầng đạt hơn 8.100 tỉ đồng với 39 danh mục DA.
Riêng năm 2024, Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư 26 danh mục DA, gồm 1 DA quan trọng quốc gia, 3 danh mục DA thuộc công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, 4 danh mục DA khởi công mới, 18 danh mục DA chuyển tiếp với kế hoạch vốn được giao tổng cộng hơn 2.790 tỉ đồng.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.312 DA FDI với tổng vốn hơn 11,3 tỉ USD. Trong đó, có 635 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh cấp mới 65 DA FDI với vốn đầu tư cấp mới hơn 347 triệu USD.
Cùng với đầu tư nguồn lực xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và các giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), những năm qua, tỉnh là “điểm sáng” của cả nước trong thu hút đầu tư.
Ngoài ra, đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập mới hơn 1.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 13.700 tỉ đồng, tăng hơn 3.700 tỉ đồng so cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 18.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn 385.140 tỉ đồng.
|
Thúc đẩy phát triển Kinh tế - xã hội
Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, với việc huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng GTVT, đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, có tính kết nối cao, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đồng thời, các DA giao thông trọng điểm, đột phá hoàn thành còn góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, điển hình như công trình ĐT824 giúp mở rộng đồng bộ về quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến, bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi từ ĐT825, ĐT830 đến TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, giảm áp lực giao thông trên tuyến ĐT hiện hữu. Hay tuyến đường Tân Tập - Long Hậu - QL50 - Cảng Quốc tế Long An hình thành trục giao thông kết nối giữa tỉnh Long An - TP.HCM và giữa các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giuộc, phát triển logistics, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả khai thác cảng Long An, từng bước xây dựng tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, công trình nâng cấp, mở rộng ĐT830 xuyên qua 4 huyện vùng kinh tế trọng điểm gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trung tâm kinh tế, khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các vùng lân cận với các cảng biển lớn như Cảng Quốc tế Long An, Cảng Hiệp Phước TP.HCM, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH toàn vùng.
Ông Đặng Hoàng Tuấn khẳng định, hiệu quả từ các công trình GTVT được đầu tư trong những năm qua cho thấy những tín hiệu rất tích cực trong phát triển KT-XH, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, mở những dư địa phát triển mới cho tỉnh.
Bên cạnh hoàn thành các công trình giao thông theo kế hoạch, Sở GTVT cũng kiến nghị trong những năm tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng, góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển KT-XH và thu hút đầu tư./.
Kiên Định