Tiếng Việt | English

16/12/2017 - 16:15

Thắp sáng tâm hồn

Như một quy ước bất thành văn, mỗi năm vào tháng cận tết, chúng tôi - những đứa học trò “trường làng” của thầy giáo Mười lại hẹn nhau tề tựu về nhà đứa cháu nội đích tôn của thầy để thắp nén hương tưởng nhớ công ơn dạy dỗ của thầy Mười. Cả bọn cùng nghiêm trang thắp nén hương tưởng nhớ người thầy dạy con chữ, con số đầu tiên khai trí, khai tâm cho đám học trò nhà quê ngu ngơ chúng tôi.

Những kỷ niệm không thể quên của từng đứa về thầy Mười chợt hiện về... Giá như bây giờ được trở lại ngày xưa vô tư ấy! Ra chơi, đám con trai tụm năm, tụm ba bắn bi, tạt lon, đám con gái thì chơi lò cò, bắc kim thang. Gốc xoài Cà lăm ở góc sân hầu như chứng kiến tất cả những trò chơi và biết được tâm tính của từng đứa. Bao kỷ niệm vui, buồn, hờn, giận,... chúng tôi đều khắc dấu gửi trên thân cây xoài. Mỗi đứa trước khi rời trường đều khắc nguệch ngoạc tên mình trên ấy.

Minh họa: Thiện Mỹ

Có lẽ bây giờ, ý niệm “thầy giáo làng” không còn với lớp trẻ. Trường làng xưa như chuyện cổ tích của đám học trò quê nhà nghèo chúng tôi. Trong xóm Đồng Cỏ Chỉ, trang lứa với chúng tôi có 3 đứa được học ở trường quận, ngôi trường độc nhất của cả vùng. Tất nhiên, 3 đứa đó thuộc lớp nhà giàu rồi.

Ngôi trường chúng tôi - trường thầy Mười không bảng tên trường, càng không “mái ngói đỏ tươi” như trong bài học thuộc lòng mà chúng tôi hay đồng thanh đọc ở trường ngã tư trên chợ vào cuối giờ trước khi tan học. Ngôi trường thực ra là căn chái cặp hông nhà thầy, vách được trét bằng bùn nhồi rơm, mái lợp bằng đưng và bàng. Còn bàn học ư? Ngộ lắm! Mặt bàn được lắp ghép từ những thanh tre được chuốt cẩn thận. Tấm bảng đen thì được làm bằng nhiều mảnh ván ghép lại khá tỉ mỉ nhưng cũng không liền lạc lắm. Ghế ngồi cũng được làm từ những cây tre to bằng ngón chân cái chúng tôi. Hình như tất cả tranh, tre, lá đều do
cha mẹ học sinh mang đến để cùng xây nên. Vậy mà, ngôi trường chứa đến 62 học trò với 3 lớp: Ấu học (26 đứa ngồi học mà còn thò lò mũi dãi); Sơ học (20 đứa, tương đương lớp 2 bây giờ) và lớp Thành học 16 đứa (tương đương lớp 3 bây giờ). Tên lớp do thầy Mười đặt, bây giờ, chúng tôi nghiệm lại cũng hay hay...

Thật thiếu sót nếu không kể về căn hầm (trảng-xê) dành cho hơn 60 học trò nhỏ chúng tôi núp bom, đạn khi lính trên ngã tư dinh quận đôi ba ngày xuống ruồng bố “Việt cộng” xóm Cỏ Chỉ chúng tôi. “Việt cộng” là ai, lúc ấy chúng tôi nào biết được! Người lớn như thầy Mười, ba, chú,... chúng tôi gọi đó là “phe mình”, lính áo xanh, áo vàng là “phe kia”. Căn hầm nằm ở cuối dãy lớp Ấu chạy dài ra vườn chuối ăn thông ra mương. Nhiều lần đang học, súng nổ ran, thầy Mười hô “Xuống hầm!”. Lớp Ấu được xuống trước, kế đến là lớp Sơ, lớp Thành xuống sau cùng. Bao giờ cũng vậy, thầy Mười ngồi ở miệng hầm nghe ngóng và dỗ dành những đứa lớp Ấu hay khóc ré mỗi khi có tiếng bom nổ lớn rất gần “Đừng sợ, các con! Nằm sát xuống thì không sao đâu”. Mỗi lời thầy làm chúng tôi đỡ sợ hơn... Lâu quá không có lính đi ruồng, không có tiếng súng, tiếng bom pháo, không được chui hầm cũng nhớ nhớ...

Thầy Mười vừa làm thầy dạy học từng lớp, vừa làm “Ông Đốc” của trường. Học trò trường thầy Mười chỉ học lâu lắm 2 năm là được thầy gọi cha mẹ đến để cho “ra trường”, hoàn thành chương trình học (xong lớp Thành học). Học trò “ra trường” oai lắm! Đọc chạy không vấp một trang sách Quốc văn giáo khoa thư nào, làm đúng 4 phép tính, mỗi phép tính thầy cho 2 bài trên bảng. Cuối cùng là trò ấy phải kể lại rành mạch một truyện ngụ ngôn hay một bài trong sách truyện Nhị thập tứ hiếu hoặc một truyện cổ tích,... mà học trò đó thích nhất.

Sách “giáo khoa” và nội dung “chương trình” dạy của thầy Mười cũng lạ lắm! Lớp Ấu học và Sơ học chỉ có 2 môn: Quốc văn và làm được 4 phép tính. Lớp Thành học có thêm môn Thợ - nghề. Môn Quốc văn lớp Ấu học mỗi ngày được thầy chỉ dạy một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ hoặc trích những câu thơ mà sau này, chúng tôi mới biết trong truyện Kiều, trong Lục Vân Tiên,... Sau khi học thuộc, thầy Mười mới giải thích nghĩa và kết lại với lời khuyên không đổi: “Các con hãy nhớ và làm theo thật đúng, làm sai là có tội với người xưa!”.

Bài học Quốc văn đầu tiên lớp Ấu học chúng tôi được học: Kính trên, nhường dưới; đi thưa, về trình; gọi dạ, bảo vâng;... kế đến là những bài về chữ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, Trí, Nhân, Chân, Thiện, Mỹ, Nhẫn, Liêm, Sĩ, Dũng, Ân,... Lời giảng của thầy Mười cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in. Mỗi chữ học làm người tử tế, thầy Mười đều kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện từ chuyện xưa, tích cũ.

Môn phép tính, theo thầy Mười, là học trò thì phải biết tính toán trong đầu để tìm ra cái đúng chứ không phải là những bài toán đố đơn thuần. Buổi học cuối cùng ở trường thầy Mười, đó là vào buổi xế trưa vào đầu tháng cận tết, trời bắt đầu se lạnh. Thầy vừa giảng nghĩa chữ Trung bên lớp Ấu “Làm trai phải đáng chí trai… Phải như Lục Vân Tiên lấy trung hiếu làm đầu. Không có nước thì đâu có nhà. Nước mất thì nhà tan… Hiếu là hiếu với với ông bà, cha mẹ… Mở đầu truyện thơ Lục Vân Tiên có câu rằng: Trai thời trung hiếu làm đầu…Ai theo giặc là “rước voi về giày mả Tổ”, là “cõng rắn cắn gà nhà”,... Các con nên nhớ, trong các thứ tội, tội phản Nước, hại Dân mình là tội lớn nhất! Tội lớn thứ hai là bất hiếu với ông bà, cha mẹ...”. Hồi đó, chúng tôi đâu hiểu ý nghĩa sâu xa lời thầy Mười giảng nhưng từ lời giảng ấy, loáng thoáng trong đầu chúng tôi về tổ tiên, đất nước mình. Đang say sưa giảng bài, đột nhiên thầy Mười đi ra sân và trở lại lớp nói với giọng bình thản: “Hôm nay các con ra chơi sớm chút. Thầy có việc!”.

Chúng tôi chưa ra khỏi lớp thì nhiều người mặc áo lính, mặt mày dữ dằn, tay cầm súng như sắp bắn ai rầm rập bao quanh trường. Có 2 người chạy vào ra lệnh tất cả học trò chúng tôi ngồi im. Thầy Mười đi đến người vừa ra lệnh và nói: “Xin các quan lính cho học trò tôi ra chơi bình thường, đừng làm các em sợ. Có gì tôi chịu hết!”.

Bọn lính áp giải thầy đi trong sự ngơ ngác và ngỡ ngàng của đám học trò nhỏ chúng tôi. Loáng thoáng, chúng tôi nghe được câu nói cáu gắt của tên lính: “Dạy học không lo dạy học, dạy trò làm Việt minh, Việt cộng! Rồi biết! Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, tù rục xương là chết chắc!”.

Từ đó, trường làng thầy Mười không còn trò học. Mỗi lần có dịp đi ngang, nhìn vào trường vắng tanh, lạnh lẽo. Vài ba năm sau, thầy Mười được bọn lính thả về nhưng sức khỏe rất yếu. Về không bao lâu thì thầy mất, có lẽ do những đòn tra tấn tàn bạo.

Giờ, lớp học trò xưa ngấp nghé tuổi lục tuần, thất thập, đứa còn, đứa mất, có đứa giờ là doanh nhân giàu có, có đứa là nông dân nghèo nhưng tất cả chúng tôi về đây với tấm lòng biết ơn người đã khai trí, khai tâm cho mình. Bây giờ, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu thâm ý sâu xa trong từng bài Quốc văn mà thầy Mười dạy chúng tôi: “Biết sống đúng chữ Trung, chữ Hiếu, Tiết, Nghĩa... Biết sống và cũng phải biết chết vì đại nghĩa, chí nhân!”.

Ai cũng từng có rất nhiều người thầy dạy mình nhưng không phải ai cũng “có duyên” với một người thầy lớn trong đời. Người thầy lớn là người thầy thắp sáng mãi tâm hồn tươi sáng cho học trò qua từng bài giảng./.

Kim Dung

Chia sẻ bài viết