Tiếng Việt | English

18/06/2015 - 10:18

Thoáng chiều hoa viên: Nghĩa trang Bình Dương

Anh bạn nhà thơ, nhà giáo hưu trí ở TP.Tân An rủ tôi đi viếng mộ 2 tiền bối - cố nhà văn Sơn Nam và cố nhà thơ Kiên Giang - đang yên nghỉ ở hoa viên nghĩa trang Bình Dương đã mấy tháng nay, song tôi cứ chần chừ,… Thời may, vừa rồi tôi quá giang được xe đưa đoàn đi Bình Dương. Do “quá giang” nên khi đến hoa viên là tôi phải chạy và chạy,… nhưng cũng chỉ được một góc trong cõi hoa viên nghĩa trang mênh mông đó thôi!

Tác giả (bìa trái) viếng mộ nhà văn Sơn Nam

Từ đại lộ Vĩnh Hằng đi vào, gặp khu Linh Hoa Tuệ Đàn - một tổ hợp kiến trúc tâm linh với hình tượng các vị Phật, La hán, Tứ linh, Luân xa, Bảo tháp,… cùng rất nhiều công trình kiến trúc đầy hình tượng và màu sắc tín ngưỡng tôn giáo với những khối bêtông tạo hình nghệ thuật đồ sộ chiếm diện tích hơn 8.000m2 ở điểm trung tâm hoa viên nghĩa trang. Từ đây rẽ vào bất cứ đường nào mặt nhựa cũng sáng bóng, đầy hoa và cây phong cảnh phủ bóng thâm nghiêm xuống từng khu mộ khang trang. Nào Vĩnh Hằng đài cấu hình như ngọn lửa thiêng cháy lên giữa đài sen. Nào vườn Nhật nguyệt với một nghệ thuật hoa viên tạo đủ loại hình tượng nghệ thuật từ cây-hoa-trái, giữa vườn là tượng đài Địa Tạng Vương Bồ Tát cao gần 6m. Nào đồi Tâm linh, một ngọn đồi nhân tạo tập trung nghệ thuật sinh vật cảnh tuyệt vời. Sang đường Nghệ sĩ nổi lên hàng chữ như rồng bay, thủ bút của nhà thơ Kiên Giang: “Hoa viên mở cõi thiên đường/ Nghệ nhân tìm giấc miên trường nơi đây”, dưới có chữ ký Kiên Giang. Nằm ở chỗ đắc địa nhất là mộ nhà văn Sơn Nam (1926-2008) nhô lên tảng đá dựng bia mộ chạm khắc chân dung ông và 2 câu trong một bài thơ nổi tiếng của ông: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Trước mộ ông có tấm bia ghi lời trưởng nữ của ông - chị Đào Thúy Hằng - khóc cha: “Ba ơi! Lúc sinh thời lòng Ba luôn da diết: “Thân không là lính thú. Sao chưa về cố hương. Chiều chiều nghe vượn hú. Hoa lá rụng buồn buồn…”. Đó là những câu thơ gan ruột của ông mà con gái ông trích ra để khóc cha,… Chị Thúy Hằng đã đứng bên mộ cha hát bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím - một nhạc phẩm phổ bài thơ cùng tên của nhà thơ Kiên Giang. Và anh Trần Đức Nghị-chồng chị Thúy Hằng - thì ngâm bài thơ ấy với tiếng sáo điêu luyện của nghệ sĩ Hoài Phan. Kế đó là khu mộ nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) bằng đá hoa cương mài sáng bóng. Trên lưng mộ chạm hình trái tim với câu thơ ông: “Tay đời nâng trái tim thơ/Hồn như thao thức giữa mồ rừng xưa”. Cạnh bia mộ ông là tấm bia ghi thơ ông: “Trận đời trăm nẻo xông pha/ Thác nằm đất nghĩa vẫn là quê hương/ Xa Rạch Giá, về Bình Dương/ Đất lành nào cũng vấn vương nghĩa tình” (Kiên Giang và Sơn Nam cùng quê miệt thứ U Minh, Rạch Giá, Kiên Giang). Sang bên kia đường là mộ cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, đi tới nữa là mộ nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Hoàng Trang. Trên bia mộ của các nhạc sĩ này đều có khắc bản nhạc của họ mà sinh thời họ tâm đắc nhất. Kế đó nữa là mộ nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy với bức tượng bán thân của ông trên đầu mộ. Trên lưng mộ khắc thủ bút của ông với hàng chữ “Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời” vốn là ca từ trong một bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ. Cạnh mộ cha Phạm Duy là mộ con - cố ca sĩ Phạm Duy Quang. Đi tới nữa là mộ NSƯT Tư Còn, rồi mộ soạn giả cải lương Nhị Kiều, mộ NSƯT Hồ Kiểng, và còn nữa, còn nữa,… Mộ NSƯT Tư Còn, người nghệ sĩ tài hoa 78 tuổi đời và hơn 60 tuổi nghề này xung quanh trồng nhiều hoa thơm. Tấm bia mộ đắp nổi chân dung ông với cây đàn kìm mà sinh thời ông rất yêu quý và hay sử dụng. Ông là một danh cầm đờn ca tài tử cải lương Nam bộ, từng đờn cho các gánh: Minh Cảnh, Kim Chung, Thanh Hương, Thanh Minh, Thanh Nga và sát cánh với các nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Nga, Thanh Sang,… Ông còn là thầy dạy đờn ca tài tử - cải lương nổi tiếng ở đất Bình Dương.

Tại một điểm trang trọng nhất là khu mộ các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khu mộ này là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa lịch sử của Nam bộ được xây dựng trên diện tích 3.000m2 cho 120 ngôi mộ Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Bình Dương ẩn dưới rừng cây sinh thái trông thật uy nghiêm. Kế là khu mộ cán bộ, khu mộ gia tộc, khu mộ người Công giáo, khu mộ người Hoa,… Rộng lớn nhất là khu mộ dành cho tín đồ Phật giáo với đầy hình tượng tín ngưỡng tâm linh Phật giáo, bên cạnh là khu dịch vụ hỏa táng và dịch vụ lưu trữ tro cốt, có phòng lưu trữ và trưng bày kỷ vật của văn nghệ sĩ đã yên nghỉ ở hoa viên nghĩa trang.

Thế là tháng 6 này, tôi đã đi viếng mộ cố nhà văn Sơn Nam và cố nhà thơ Kiên Giang. Nhà thơ từng viết: “Trái tim là một con tàu suốt/ Chẳng có sân ga trạm cuối cùng” nhưng giờ đây đã có “trạm cuối cùng” cho trái tim thơ đầy phong trần, lãng mạn của ông yên nghỉ bên người bạn đồng hương - đồng điệu Sơn Nam./.

Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết