Tiếng Việt | English

17/08/2017 - 19:50

Thứ trưởng Bộ Giao thông: Không tính đến chuyển trạm thu phí Cai Lậy

Liên quan đến việc tài xế phản đối vị trí đặt trạm phí BOT Cai Lậy và giảm mức thu phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm phí Cai Lậy nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển trạm.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức hoạt động từ ngày 1/8 vừa qua và gặp phải sự phản đối của tài xế khi mức phí quá cao. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như vậy tại cuộc họp báo về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (17/8).

Đi thẳng vào vấn đề vị trí đặt trạm Cai Lậy liệu bất hợp lý, Thứ trưởng Đông cho rằng, việc đặt trạm thu phí căn cứ vào việc khảo sát một quá trình rất lâu và kỹ lưỡng, căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án. Tuy nhiên, trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi của dự án.

Ông Đông cũng khẳng định, vị trí đặt trạm phí đã được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các bên liên quan từ địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội… với mục tiêu là hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư và có đường tốt hơn để lưu thông.

Đưa ra mức so sánh phí trạm Cai Lậy cao hơn đường cao tốc Trung Lương, Thứ trưởng Đông phản biện, hai phương án thu phí của dự án trên là khác nhau. Đường cao tốc Trung Lương thu phí kín, hiện đại, đảm bảo công bằng, không hạn chế thời gian hoàn vốn. Trạm Cai Lậy thu phí lượt, căn cứ vào phương án tài chính và có khả thi hay không để đưa ra mức phí và thời gian thu với đích đến cuối là hài hòa lợi ích của các bên.

Đề cập đến vấn đề “nóng” được đông đảo người dân và báo chí quan tâm thời gian vừa qua đó chính là việc lái xe tiếp tục phản đối bằng cách dùng tiền lẻ trả phí hoặc bỏ tiền cho vào chai nhựa thì có phạm pháp và phương án xử lý ra sao? Theo Thứ trưởng Đông, sự việc xảy ra tại trạm phí Cai Lậy là đáng tiếc. Bộ không lường trước được sự việc ở BOT Cai Lậy. Bộ đang tập trung các cơ quan chức năng và tích cực trao đổi với Tiền Giang để xử lý.

“Xử lý vi phạm hành chính thì đã có cơ quan chức năng. Những gì không vi phạm pháp luật thì được phép làm. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tất cả các trạm phí cả nước trong đó có trạm Cai Lậy triển khai lắp đặt và áp dụng thu phí tự động,” ông Đông nhấn mạnh.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, các dự án BOT gần đây người dân không có lựa chọn, không có lối thoát, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, thực tế do nguồn ngân sách quá ít, Bộ Giao thông Vận tải cũng lo ngại trong tương lai với mức ngân sách này thì việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 sẽ rất khó khăn. Do đó, việc cải tạo, nhượng quyền khai thác trên tuyến đường cũ cũng là một giải pháp.

Thực tế, Thứ trưởng Đông bổ sung thêm, ai cũng mong muốn được đi lại không mất phí, chỉ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phải thu hút vốn từ kênh tư nhân để đầu tư, gần như bức tranh chung trên thế giới. Như vậy, mới có hệ thống đường sá tốt hơn. Nhà nước có đủ tiền bỏ ra làm hết thì quá tốt nhưng ngân sách Nhà nước không đủ tiền.

Cho rằng mục tiêu của Nhà nước là giảm ngân sách trong lúc khó khăn, theo Thứ trưởng Đông, năm nay Bộ Giao thông Vận tải chỉ được phân bổ 39.000 tỷ đồng, đây là kênh hút vốn nhưng có bất cập, phát sinh thì phải cùng nhau xử lý.

Do đó, ông Đông khẳng định, Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm phí thì chắc không có bởi việc thu hút vốn bằng hình thức PPP đã có từ lâu ở Việt Nam. Thực tế, ở 1 số địa phương đã có những trạm phí chưa được sự đồng thuận của người sử dụng, người trả phí đã dược xử lý. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện chỉ dạo của Chính phủ rà soát tất các trạm BOT để điều chỉnh như mức phí, thời gian…

Đánh giá về việc giảm phí thì thời gian thu sẽ kéo dài, Thứ trưởng Đông nói, thời gian thu phí phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như lưu lượng xe, chỉ số CPI. Theo dự báo, trạm thu phí Cai Lậy có thể kéo dài 12-14 năm, tuy nhiên, con số cụ thể sẽ có trong thời gian tới.

Trước đó, tạm thu phí Cai Lậy trở thành tâm điểm mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và giới tài xế, đồng thời phơi bày nhiều bất cập trong việc đầu tư dự án BOT.

Mâu thuẫn đỉnh điểm của việc người dân phản đối mức phí và vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy khi thời gian qua, hàng loạt cánh tài xế đã cố tình trả tiền lẻ gây ùn tắc giao thông kéo dài và buộc nhà đầu tư phải xả trạm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560÷ Km2014, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 1.398,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 6 năm 5 tháng.

Trong đó, dự án tăng cường mặt đường Quốc lộ 1qua tỉnh Tiền Giang dài 26,4 Km (qua Thị xã Cai Lậy dài 11,1 Km), sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến.

Tuyến tránh Thị xã Cai Lậy dài 12,1 Km và xây dựng 07 cầu (quá trình triển khi thực hiện có 02 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).

Ngày 16/8 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm (mức giá dịch vụ sau khi giảm: Loại 1 là 25.000 đồng; Loại 2 là 35.000 đồng; Loại 3 là 40.000 đồng; Loại 4 là 70.000 đồng; Loại 5 là 140.000 đồng. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này). Thời gian áp dụng từ ngày 21/8 tới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết