Tiếng Việt | English

23/07/2016 - 19:17

Thủ tướng: 'Cần quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người có công'

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm đến công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và thân nhân của họ.

Sáng ngày 23/7, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016, với sự tham dự của 299 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công với cách mạng, chiếm gần 10% dân số; hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Ngoài ra, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng vạn thanh niên xung phong; hơn 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp 1 lần.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được gặp gỡ, nghe nhiều câu chuyện chân thật, cảm động của các thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu kể lại quá trình phấn đấu vượt khó vươn lên với nghị lực phi thường, bằng sức lực và trí tuệ của mình để ổn định đời sống, làm giàu cho quê hương, đất nước và tham gia các hoạt động có ích cho xã hội.

Với quyết tâm “thương binh nhưng không trông chờ, ỷ lại chính sách của Đảng, Nhà nước”, thương binh Nguyễn Thanh Tâm ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tự mình vươn lên trong cuộc sống. Với công việc chăn nuôi, hàng năm ông thu nhập trên 80 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ.

Thủ tướng thăm hỏi đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi được về dự Hội nghị, gặp gỡ 299 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 8,8 triệu người có công trong cả nước vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Thủ tướng trân trọng và khâm phục sự cố gắng, nỗ lực to lớn của những thương binh, bệnh binh, người có công và gia đình chính sách đã chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, để nỗ lực vượt lên trên thương tật, bệnh tật, với tinh thần “Tàn nhưng không phế”, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục mang sức lực trí tuệ của mình để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thủ tướng nêu rõ, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, doanh nhân thành đạt; nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý như Anh hùng lao động, Chiên sỹ thi đua...

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn, vẫn còn những nguời, gia đình chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành, các cấp, trước hết là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tất cả hộ người có công phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Thủ tướng chỉ đạo: đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người có công nỗ lực phấn đấu vươn lên”, làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia hoạt động có ích lợi cho xã hội”. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm, chăm lo tốt hơn công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện chính sách; Tập trung giải quyết khẩn trương, dứt điểm việc khen thưởng thành tích kháng chiến, nhất là việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và thân nhân của họ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết mục tiêu tổng quát cần phấn đấu trong giai đoạn 2016 – 2020 là 100% hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú./.

Vũ Dũng - Tấn Phong/VOV

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích