Tiếng Việt | English

21/02/2025 - 14:29

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị với các địa phương yêu cầu phải duy trì tăng trưởng cao  

Sáng 21/02, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Dự tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Long An có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành.

Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng hơn 500 tỉ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng là yếu tố quan trọng để quyết định quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới. Không còn cách nào khác là phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay tới năm 2045. Như thế sẽ giúp nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đạt các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên mới.

"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi nên chỉ bàn làm, không bàn lùi" - Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh.

Bẫy thu nhập trung bình là trạng thái ở đó thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế sau khi tăng lên một mức nhất định nhưng trong một thời gian dài không thể đuổi kịp để đạt mức thu nhập của một quốc gia phát triển. Kinh nghiệm quốc tế và thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy có 34 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao từ năm 1990 đến nay, trong khi có 108 nước chưa vượt qua được.

Thủ tướng cũng cho rằng, đối với Việt Nam, kết thúc năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam mới đạt hơn 470 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 4.700 USD; nếu chỉ tăng trưởng bình quân 7%/năm thì Việt Nam khó đạt mục tiêu nói trên. Đồng thời, dẫn chứng một số nền kinh tế trở thành nước thu nhập cao đều duy trì mức tăng trưởng trên dưới 10% trong khoảng 30 năm. Đó là Nhật Bản, Trung Quốc,...

Trong khi đó, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,4% trong gần 40 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay). Cho nên giai đoạn tới phải tăng tốc hơn nữa mới đạt mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2045. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Tất cả bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đều phải đạt tăng trưởng hơn 8%.

Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Long An

"Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm; phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa. Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn" - Thủ tướng đề nghị.

Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức,… khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế,…/.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết