Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, với vị thế địa-chính trị, địa-kinh tế quan trọng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Kon Tum có khá nhiều lợi thế để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sáu tháng đầu năm 2016, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, tình hình hạn hán phức tạp, kéo dài, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội Kon Tum tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả.
Tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 4.234 tỷ đồng, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nông, lâm, thủy sản bằng 98,86%. Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến 20/6/2016 là 815 tỷ đồng, đạt 33% dự toán; ước thực hiện sáu tháng đầu năm thu 876 tỷ đồng, đạt 35,8% dự toán và bằng 88,8% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm chủ lực của Kon Tum được quan tâm đầu tư phát triển; diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đạt 74.776ha; đặc biệt, Kon Tum đã trồng thành công 180ha sâm Ngọc Linh - loại sâm quý nổi tiếng, riêng có ở Kon Tum; rau, hoa xứ lạnh đã thực hiện khoàng 50ha. Một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho sản phẩm đạt kết quả tốt (dê sữa, khoai tây, bí ngô...).
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.133 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 45,8% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 6.818 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cùng kỳ; xuất khẩu ước đạt 32 triệu USD đạt 49,2% kế hoạch.
Nửa đầu năm, hạn hán ở Kon Tum đã gây thiếu nước tưới đối với 4.194,23ha gồm: 1.372,1ha lúa 2.533,3ha cây công nghiệp (càphê, cao su, hồ tiêu); 49,52ha ngô, rau màu các loại và 243,35ha cây trồng khác. Số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 12.644 hộ. Thiệt hại sản xuất nông nghiệp trên 157 tỷ đồng.
Kinh tế-xã hội Kon Tum còn nổi lên một số khó khăn cần tập trung giải quyết, như tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; khai thác lâm sản trái phép vẫn còn phức tạp; tình hình dịch bệnh còn xảy ra một vài nơi; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; tình trạng vi phạm lâm luật còn diễn ra ở một số địa phương...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân tỉnh Kon Tum trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.
Biểu dương thành tích phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Tum trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình đất nước, Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của Kon Tum và thành tựu nuôi trồng thành công một số cây dược liệu quý, cây công nghiệp có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, càphê. Kon Tum cũng thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và làm tốt công tác đối ngoại.
Chỉ ra một số hạn chế cần được Kon Tum xử lý, khắc phục sớm, Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện thu ngân sách, nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; chủ động các nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, hiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời kỳ mới.
Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý địa phương dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh tài nguyên, đất đai, thổ nhưỡng của một tỉnh miền Trung Tây Nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng để tiếp cận theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm; coi trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu. Tỉnh cũng cần đặc biệt chú ý đầu tư, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho người dân; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi thói quen canh tác cũ, lạc hậu, năng suất thấp.
Thủ tướng cũng đề nghị Kon Tum chủ động nắm bắt tình hình, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung phối hợp, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng giao thông tại Kon Tum, nhất là các tuyến quốc lộ trọng yếu, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Kon Tum nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng yêu cầu Kon Tum thực hiện tốt công tác trồng, phát triển rừng, trồng rừng thay thế các công trình kinh tế-xã hội, dân sinh; mở rộng diện tích trồng rừng, kiên quyết không để mất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng tự nhiên và chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Song song với đó, Kun Tum cần tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu nông, lâm trường, trong đó, rà soát quỹ đất để giao đất, giao rừng cho bà con canh tác, tránh để tình trạng người dân không có đất sản xuất.
Thủ tướng cũng đề nghị Kon Tum đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là phát triển thế mạnh chăn nuôi. Đối với trồng trọt, cần tập trung lựa chọn giống, cây chủ lực song song với đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Thủ tướng gợi ý Kon Tum đẩy mạnh công nghiệp chế biến đi đôi với quản lý tốt bảo vệ môi trường; phát triển bộ mặt trung tâm xanh, sạch, đẹp để tăng cường lợi thế so sánh. Tỉnh cần chú ý thực hiện tốt các nghị quyết 19, nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với nhiều đề xuất của tỉnh, giao các bộ ngành liên quan phối hợp, khảo sát, nghiên cứu, lập đề án để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; trong đó, Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây đường cao tốc nối cửa khẩu Bờ Y-Ngọc Hồi-Pleiku để tăng cường năng lực giao thông, hỗ trợ hoạt động thông thương, giúp Kon Tum nâng cao lợi thế so sánh, mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh tế trên địa bàn./.
TTXVN