Tiếng Việt | English

01/05/2022 - 07:57

Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam: Vun đắp quan hệ “tình cảm, chân thành, tin cậy”

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Kishida Fumio nhằm đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản đi vào chiều sâu, tăng cường sự tin cậy chính trị và quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên cơ sở “tình cảm, chân thành, tin cậy”.

Hôm nay 1/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật bản Kishida Fumio tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức (tháng 10/2021), đồng thời để đáp lễ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2021).


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 11/2021). Ảnh: Vũ Khuyên/VOV  

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; hai bên đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida Fumio trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của các Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide. Thủ tướng Kishida Fumio là người có thiện cảm, quan hệ tốt đẹp với nhiều lãnh dạo cấp cao của Việt Nam, từng nhiều năm giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản- Việt Nam. Ông đã thăm Việt Nam 3 lần trên các cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách; đóng góp tích cực vào việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản vào năm 2014.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Kishida Fumio nhằm đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản đi vào chiều sâu, triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối năm 2021; tăng cường sự tin cậy chính trị Việt Nam- Nhật Bản và quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên cơ sở “tình cảm, chân thành, tin cậy”; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 , có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Riêng Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam tổng cộng 11 lần. Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Nhật Bản 4 lần; Chủ tịch nước thăm Nhật Bản 3 lần, Thủ tướng Chính phủ thăm Nhật Bản 20 lần, Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007) đã họp 11 lần …


Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các cựu lãnh đạo của Nhật Bản như cựu Thủ tướng Suga Yoshihide, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (hai ông là cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản) trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/2021.

Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, có vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại, sẵn sàng cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.  

Tuyên bố chung “Hướng tới việc mở ra một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” được hai nước thông qua trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (22-25/11/2021) đã tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh , đầu tư, thương, ODA, y tế, nông nghiệp, khoa học công nghệ, chuyển đối số, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khi hậu…. được triển khai tích cực. Nhật bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác du ịch lớn thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Hai bên tich cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc ở nhiều dự án hợp tác quan trọng.  

Việc đón Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam là bước triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Việt Nam./. 

Quốc Phong/VOV.VN

Chia sẻ bài viết