Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư hồi tháng 9/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trọng tâm chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tăng cường hợp tác trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt là trong việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguồn tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho hay trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam không từ bỏ nỗ lực để TPP được thực thi, cũng như khẳng định sự ủng hộ và hợp tác của Nhật Bản trong thúc đẩy tự do hóa thương mại và trong việc thúc đẩy việc hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản. Tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe lần này còn có đại diện 25 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại tổng hợp. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Abe sẽ diễn ra cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Dự kiến qua cuộc tọa đàm này, sẽ có một số thỏa thuận hợp tác được ký kết.
Nhật Bản cũng dự kiến tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, nổi bật là việc phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo Phó Đại sứ Nhật Bản Yanagi Jun, Nhật Bản cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao các công nghệ mới.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (năm 1999). Năm 2011, hai năm sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực, Nhật Bản trở thành thành viên đầu tiên của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất (G7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ kinh tế bình đẳng giữa hai nước. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 28,49 tỷ USD, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hai nước cũng phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch khoảng 60 tỷ USD.
Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam-Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản có thể sẽ đạt tới một tầm cao mới bởi một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương đã được lãnh đạo hai nước đưa ra bàn thảo và thống nhất.
Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Abe cũng nhằm tăng cường sự hợp tác trong hợp tác quốc phòng và thúc đẩy đối thoại an ninh, tăng cường hợp tác nhằm nâng cao việc thực thi pháp luật trên biển và nâng cao năng lực cho Việt Nam.
Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ DOC và sớm xây dựng COC, phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân, cũng như phát triển nguồn nhân lực (Đại học Việt Nam Nhật Bản, vấn đề thực tập sinh trong lĩnh vực công nghệ…)
Chuyến thăm Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du nước ngoài kéo dài 6 ngày của Thủ tướng Abe. Trước Việt Nam, ông Abe sẽ thăm lần lượt Philippines, Australia và Indonesia, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Nhật Abe, sau các chuyến đi hồi năm 2006 và năm 2013./.
Theo Vietnam+