Sáng nay (19/4), tại Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2017. Cùng dự có đại diện các Bộ, ngành cùng gần 250 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thông tin đến các nhà đầu tư về lợi thế của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hai -Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Thuận có bờ biển dài 192km có thể phát triển kinh tế biển. Ngoài Mũi Né, Bình Thuận còn có nhiều bãi biển đẹp khác với cát trắng, nắng vàng, biển xanh, có đảo Phú Quý, có thể phát triển mạnh du lịch. Cùng với thương hiệu “thủ đô resort Mũi Né - Hòn Rơm”, năm qua, tỉnh thu hút hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Bình Thuận có trữ lượng quặng titan lên đến gần 600 triệu tấn, chiếm trên 92% trữ lượng cả nước; là Trung tâm năng lượng quốc gia, công suất theo quy hoạch trên 12.000 MW. Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo hình thành ba trung tâm mang tầm quốc gia tại Bình Thuận là du lịch - thể thao biển, trung tâm năng lượng và trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận đánh giá cao chất lượng tài nguyên nắng, gió ở đây và cho biết còn có thể mở rộng đầu tư khai thác tiềm năng này.
Ngay cả những vùng cát mênh mông, nắng chói trang lại được các chuyên gia về nông nghiệp tại hội nghị đánh giá là tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình của Israel. Đây cũng là lĩnh vực trọng tâm tỉnh thu hút đầu tư. Trong đó phải kể đến loại cây nổi tiếng và thế mạnh là thanh long, mỗi năm cho sản lượng trên 600.000 tấn.
Với bờ biển dài, có một trong 4 ngư trường lớn nhất Việt Nam, Bình Thuận có tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến hải sản, sản xuất được muối oganic, một loại muối ít nước trong khu vực sản xuất được mang lại giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng tham quan mô hình nuôi tôm giống bên lề Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Bình Thuận hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho các nhà đầu tư, đồng thời đánh giá cao các nhà đầu tư đã nhìn ra cơ hội đầu tư vào Bình Thuận trong các lĩnh vực như du lịch sức khỏe, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; đề xuất các giải pháp về tài chính và phân cấp quản lý Nhà nước để tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Phân tích rõ các lợi thế của Bình Thuận có thể phát triển kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao, năng lượng tái tạo, gần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuận lợi tiếp cận thị trường và khoa học công nghệ..., nhưng Thủ tướng cho rằng, các điều kiện tuyệt vời này của tỉnh vẫn chưa được khai thác tốt.
“Tôi thay mặt lãnh đạo, khẳng định lại chủ trương của Trung ương về việc xây dựng ở Bình Thuận, đó là một trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam, kể cả điện khí chứ không chỉ gió và mặt trời; một trung tâm du lịch quốc tế và khu vực ở Bình Thuận do thiên thời địa lợi; một trung tâm chế biến sâu về titan, một nguồn ít nơi khác có được tập trung như ở Bình Thuận. Nhưng chưa thấy nhà đầu tư nào nói về khai thác chế biến titan với chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, chứ không phải khai thác thô để bán giá trị gia tăng thấp. Khả năng tiềm ẩn lớn lao này Bình Thuận và các nhà đầu tư cũng nên nghiên cứu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thăm gian hàng nông sản và nghe giới thiệu về đặc sản thanh long đỏ của Bình Thuận
Với lợi thế lớn về phát triển năng lượng sạch, Thủ tướng cho rằng, cần đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. “Tôi cũng đồng ý là xây dựng trung tâm ở Bình Thuận ra tấm ra mớ, như là phát triển năng lượng sạch, trước hết là năng lượng gió và mặt trời. Điện mặt trời thì giá đã quá tốt. Anh Trần Tuấn Anh và các đồng chí ở các Bộ đã đề xuất xem xét vấn đề giá của điện gió. Chính phủ, Thủ tướng tiếp thu. Và từ khi Thủ tướng công bố giá điện mặt trời 0,93 cent/kwh, mấy chục nhà đầu tư đã đăng ký. Sắp tới sẽ xem xét vấn đề giá của điện gió” – Thủ tướng cho biết.
Bình Thuận cũng cần lưu ý là hiện du lịch của tỉnh phát triển còn manh mún, nên cần có giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đi liền với đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là nông nghiệp chất lượng cao để vừa phục vụ cho người dân, vừa phục vụ cho du khách. Trong đó phải thu hút doanh nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng có thương hiệu từ các lợi thế sẵn có như quả thanh long, mở rộng sản xuất và phát triển mạnh mẽ thương hiệu nước mắm vốn đã nổi tiếng là nước nước mắm Phan Thiết.
Để thực hiện được các định hướng này, Thủ tướng gợi ý Bình Thuận cần có tư duy, cách làm mới để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh cần có tầm nhìn và nâng cao chất lượng quy hoạch, tránh sự chồng chéo cũng như chú ý kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là thị trường lớn cho Bình Thuận. Trong sử dụng đất cần có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng buôn bán bất động sản lấn chiếm bờ biển, đất đai tại Bình Thuận.
Để nhà đầu tư yên tâm đầu vào Bình Thuận, Thủ tướng khẳng định sẽ cùng Bình Thuận phát triển hạ tầng lớn trên địa bàn tỉnh: “Nhân đây, tôi cũng khẳng định với quý vị biết, tuy Việt Nam còn nhiều khó khăn, mà tôi đã bàn với tỉnh Bình Thuận ngày hôm qua, Chính phủ sẽ triển khai một số dự án lớn ở Bình Thuận như đường cao tốc, sẽ triển khai trong cuối năm nay; đường ven biển; hay sân bay lưỡng dụng tại Phan Thiết sẽ được triển khai”.
Bình Thuận cũng cần tôn trọng các nhà đầu tư dù lớn, dù nhỏ, nhưng cũng cần có biện pháp thu hút được các nhà đầu tư lớn, từ đó tạo sự lan tỏa thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư khác. “Chúng ta quý trọng, trân trọng, tôn vinh các nhà đầu tư, nhưng tỉnh Bình Thuận cần có cơ chế chính sách cụ thể, tập trung thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, có uy tín, có tiềm lực tài chính để đầu tư vào các thế mạnh của Bình Thuận. Phải nói là thương hiệu quan trọng, kinh nghiệm quan trọng, nhưng “tay không bắt giặc” thì khó, nên cần lưu ý. Ký ở đây rất nhiều, trao rất nhiều nhưng thực lực như thế nào?!. Tất nhiên chúng ta tôn vinh tất cả các bạn, những nhà đầu tư, nhưng chúng ta tập trung vào các nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng tham quan sa bàn phát triển đô thị của Bình Thuận
Nhấn mạnh yếu tố con người là quan trọng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đưa Bình Thuận vào nhóm 20 tỉnh đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng chính quyền Bình Thuận đối thoại và lắng nghe để xử lý vướng mắc cho nhà đầu tư và người dân.
Trước ý kiến của nhà đầu tư về việc có quá nhiều việc chính quyền một số địa phương “đẩy” lên Thủ tướng, trong khi có thể tự giải quyết được, Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng, các Bộ phải tiếp tục giao trách nhiệm, quyền hạn cho chính quyền địa phương, không can thiệp vào những việc cụ thể của địa phương. Chính quyền cấp tỉnh phải phân cấp cho cấp quận, huyện, không yêu cầu nhà đầu tư chạy lên chạy xuống, mất thời gian.
Về phía nhà đầu tư, Thủ tướng cũng yêu cầu có chiến lược đầu tư lâu dài tại Bình Thuận, nói đi đôi với làm. Trong quá trình đầu tư cần chú trọng giữ gìn môi trường. Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giữ ổn định vĩ mô để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài.
Tại Hội nghị này, tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký Thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 83.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực. Các Dự án đầu tư vào những lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tổ hợp du lịch và phát triển năng lượng sạch./.
Vũ Dũng/VOV.VN