Chiều 18/4, tại Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Bình Thuận
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng chỉ đạo không đưa thêm nhiệt điện than vào khu vực Bình Thuận. Thay vào đó xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm lớn nhất Việt Nam về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời.
Bình Thuận là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch với bờ biển dài 192km, tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Do đó tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm dài hạn là hình thành ba trung tâm mang tầm quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là Trung tâm du lịch-thể thao biển; Trung tâm năng lượng; Trung tâm chế biến quặng sa khoáng ti-tan.
Năm 2016, kinh tế tỉnh Bình Thuận tăng trưởng trên 7,4%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 40 triệu đồng. Toàn tỉnh có một huyện và gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng đánh giá, Bình Thuận là tỉnh giàu tiềm năng phát triển khi gần khu kinh tế trọng điểm phía Nam; thời tiết khí hậu thuận lợi và có thể phát triển các trung tâm lớn về năng lượng tái tạo, du lịch, chế biến quặng sa khoáng ti-tan. Từ lợi thế đó, Bình Thuận có đủ khả năng phát triển bền vững và trở thành tỉnh giàu mạnh.
Về thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, Thủ tướng đánh giá cao Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, thu nhập bình quân đầu người khá; thu hút đầu tư tăng khá, tới trên 37%; thu ngân sách cũng đạt khá. Du lịch của tỉnh cũng là điểm nhấn phát triển thời gian qua; công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và công tác dân tộc, giữ gìn văn hóa tại địa phương được triển khai tốt. Kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó Nhiệt điện Vĩnh Tân đạt 90% tiến độ thi công và dự kiến sớm đấu nối vào lưới điện quốc gia, và sẽ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của tỉnh, như thiếu cơ sở công nghiệp dịch vụ lớn, chưa tạo ra được những “quả đấm thép” trên địa bàn. Dù có 1.300 dự án đầu tư vào tỉnh nhưng chủ yếu là các dự án nhỏ. Ngay như Mũi Né và nhiều khu du lịch nổi tiếng nhưng cũng chưa phát huy được tiềm năng thương hiệu du lịch này. Tỉnh cũng chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch. Trong hơn 4 triệu khách du lịch chỉ có 500.000 khách du lịch quốc tế. Có sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với các ngành khác.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đạt như tăng trưởng kinh tế, huy động vốn đầu tư xã hội phát triển hạ tầng hạn chế, tỷ lệ giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉnh có một trong 4 ngư trường quốc gia, nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển, nhưng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu; quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập…
Các chỉ số về cải cách hành chính, môi trường kinh doanh còn thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 32/63 tỉnh thành cả nước. Trong đó Thủ tướng lưu ý đến việc linh hoạt xử lý các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải để cả nhà đầu tư và tỉnh đều có lợi.
Từ thực tế này, Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể: “Tôi đã nghe một câu chuyện, người ta muốn trồng thanh long, trồng cây công nghiệp, nhưng các đồng chí dứt khoát không được trồng trên đất lúa. Mà tôi đã có chủ trương phát biểu trước Trung ương, trước Quốc hội rằng nếu không làm thay đổi kết cấu và thực bì của đất lúa, thì chúng ta có thể chuyển sang trồng cây công nghiệp, sau đó khi cần thiết chúng ta tận dụng lại nếu như có nhu cầu lương thực, chứ không phải làm xây dựng cơ bản hoặc sân golf. Cả nước tôi áng chừng có thể chuyển khoảng 500.000 héc-ta này để làm cây công nghiệp và một số cây ăn quả có chất lượng. Nhưng chúng ta vẫn khó khăn, chúng ta nhận thức cái này chưa kịp thời”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, với nhiều lợi thế so sánh nhất là năng lượng sạch, du lịch, chế biến sâu ti-tan, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, tỉnh cần phát huy lợi thế đó để đưa Bình Thuận trở thành tỉnh mang tầm cỡ quốc gia và khu vực về năng lượng, khai thác chế biến ti-tan, du lịch, trở thành tỉnh phát triển cao trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Thủ tướng thăm khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa của Công ty Cổ phần sữa Thông Thuận tại huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận
“Trong trung hạn, Bình Thuận phải tiếp tục đi lên bằng ba chân kiềng: du lịch, dịch vụ; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, thậm chí nước mắm các đồng chí đạt con số 41 triệu lít rồi, các đồng chí phải đạt con số cao hơn. Bình Thuận sản xuất nước mắm không kém gì Phú Quốc; nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao đang mở đầu ở đây rất là tốt, chứ không thể bỏ nông nghiệp được. Tuy cơ cấu giảm xuống, nhưng người lao động ở đó còn rất đông, chúng ta quên cái này là chúng ta thất bại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với việc thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần nâng tầm chiến lược về quy hoạch phát triển, trong đó chú trọng quy hoạch một số hạ tầng trọng điểm như đường ven biển, quy hoạch kinh tế xã hội gắn với lợi thế bờ biển dài 192 km, nguồn nước, du lịch… Trong đó phải chú ý thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm quốc gia về du lịch, năng lượng và chế biến sâu khoáng sản.
Tỉnh cũng cần phấn đấu tự cân đối được ngân sách vào năm 2018, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì cơ cấu du lịch trong GDP phải ít nhất đạt 15%. Do vậy tỉnh phải có những sản phẩm du lịch cụ thể, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu, thu hút các nhà đầu tư lớn và khuyến khích cộng đồng làm du lịch.
Đối với khai thác, chế biến khoáng sản ti-tan, Thủ tướng giao tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn bạc với tỉnh để có bước đi phù hợp, đề xuất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo phải theo hướng tập trung hơn. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo không đưa thêm nhiệt điện than vào khu vực Bình Thuận, thay vào đó là trở thành trung tâm lớn nhất Việt Nam về năng lượng tái tạo, nhất là phong điện và điện mặt trời. Sắp tới, Thủ tướng sẽ xem xét về giá điện gió để kêu gọi thu hút đầu tư hơn nữa. Tỉnh cần tiếp tục giám sát chặt chẽ ô nhiễm khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn ô nhiễm.
Về kiến nghị của tỉnh tăng giá mua điện các dự án điện gió ở mức phù hợp hơn để khuyến khích thu hút đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét trình phương án lên Thủ tướng theo hướng có mức giá phù hợp.
Trước đó, sáng nay, Thủ tướng thăm khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa của Công ty Cổ phần sữa Thông Thuận tại huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Nhà máy chế biến sữa Thông Thuận được xây dựng tại Cụm công nghiệp Sông Bình, có diện tích 5,5 ha; công suất quy ra sữa nước là 150 triệu lít/năm, tương đương với khoảng 20.000 con bò sữa. Trong đó, theo kế hoạch, Công ty Thông Thuận Milk nuôi khoảng 10.000 con; nhân dân và các doanh nghiệp nuôi 10.000 con. Nhà máy sản xuất ra 3 sản phẩm chính là sữa tươi, sữa chua và sữa đặc có đường.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tư, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, đã có một người con duy nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc./.
Vũ Dũng/VOV.VN