Tiếng Việt | English

03/07/2018 - 09:32

Thú vị cây di sản

Cây di sản (Heritage Trees) ở nước ta được biết đến từ năm 2010, do GS.TS khoa học Đặng Huy Huỳnh - người được vinh danh là Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, sáng lập.

Một trong 10 cây me cổ thụ ở chùa Rạch Núi được công nhận Cây di sản Việt Nam

Một trong 10 cây me cổ thụ ở chùa Rạch Núi được công nhận Cây di sản Việt Nam

Theo tư liệu, GS.TS Đặng Huy Huỳnh là người Quảng Nam, gốc “lính Cụ Hồ”. Trên đường chinh chiến, ông từng qua đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và núi rừng Tây Nguyên, những cánh rừng vùng hạ Lào và Đông bắc Campuchia.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông xuất ngũ và bắt đầu những chuyến băng rừng, bất chấp nguy hiểm để theo dõi nhiều loài thú quý hiếm, khám phá từng loài thảo mộc, sau đó ghi lại bằng những thước phim và ảnh chụp,... để cho ra đời bộ Atlas quốc gia Việt Nam mà năm 2005 được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học và công nghệ, với nhận xét: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ”.

Tiếp theo, ông cho ra đời bộ Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam - cụm công trình này cũng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 với đánh giá: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ”.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh cũng là nhà khoa học đầu tiên được các nước thành viên ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN tại thủ đô Manila (Philippines) vào ngày 08/8/2017.

Tính đến năm 2017, sau 7 năm làm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam (VACNE), GS.TS Đặng Huy Huỳnh luôn yêu thiên nhiên như “chính máu thịt của mình”. Ông cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học, lâm học và bảo vệ thực vật xét cấp bằng công nhận cho 3.000 cây di sản Việt Nam, trong đó có cây trôm mõ phường Khánh Hậu, TP.Tân An và cụm 10 cây me cổ thụ chùa Rạch Núi, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Theo nhà khảo cổ học, TS. Bùi Phát Diệm (nguyên Giám đốc Bảo tàng Long An), cụm 10 cây me cổ thụ chùa Rạch Núi đều có tuổi đời trên dưới 300 năm. 1 trong 10 “cụ me” có thân cao 22,12m; chu vi gốc (cách mặt đất 1,4m) 6,8m; đường kính tán lá 20m. Quần thể cây di sản này có lẽ là dấu tích của một khu rừng nguyên sinh trên gò đất được gọi là Rạch Núi. Ngôi chùa Rạch Núi tọa lạc trên gò đất cao 5-6m so mặt bằng khu dân cư xung quanh. Trên gò, ngoài cụm 10 “cụ me” được vinh danh Cây di sản Việt Nam, còn có hàng chục loại cây cổ thụ khác, tạo nên khung cảnh thâm u, hùng vĩ ít nơi nào trong khu vực có được.

Ở Đà Nẵng, trong một lần đi du lịch, chúng tôi được giới thiệu về cây da Sơn Trà 800 năm tuổi, cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ 85m, được công nhận Cây di sản Việt Nam, nằm cách chùa Linh Ứng vài trăm mét. Khách du lịch đến xem cây da Sơn Trà rất đông.

Được biết, ở Hà Nội cũng có cây đa 350 năm tuổi và cây muỗm hơn 100 năm tuổi được công nhận Cây di sản Việt Nam. Ở di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp), cây đa hơn 100 năm tuổi cũng là Cây di sản Việt Nam.

Theo quy định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây di sản Việt Nam phải hội đủ các tiêu chí: Cây thiên nhiên sống trên 200 năm, dáng cao to, hùng vĩ, cao trên 40m, chu vi trên 6m (đối với cây gỗ đơn thân); cao trên 25m, chu vi 15m đối với cây đa, cây si thuộc chi Focus; có hình dạng đặc sắc - ưu tiên các loại cây đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử. Cây trồng sống trên 100 năm, cao to, hùng vĩ; cao trên 30m, chu vi 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10m đối với cây đa, cây si thuộc chi Focus; hình dáng đặc sắc, ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử.

Cây không đạt các tiêu chí, kỹ thuật này nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử, hoặc văn hóa, hoặc mỹ quan; cây cảnh mang tính độc đáo; các cây gần đạt tiêu chí cây tự nhiên, cây trồng nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc văn hóa, hoặc lịch sử, hoặc mỹ quan cũng được công nhận Cây di sản Việt Nam (chu vi cây đơn thân đo cách mặt đất 1,3m; chu vi cây có banh vè (gốc banh ra với nhiều rễ phụ) đo thân cách mặt đất trên 20cm; đo cả bộ rễ phụ bao quanh gốc).

Như vậy, cây kiểng cũng có thể là cây di sản như cây khế kiểng bên khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) có gắn bảng “trên 400 năm tuổi” được một thầy giáo hiến tặng hay những cây kiểng của các quan triều Nguyễn và nhà quý tộc để lại 300-400 năm tuổi ở Huế.

Cây di sản Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, sống qua nhiều thế hệ con người, là “nhân chứng” của những thăng trầm lịch sử. Cây di sản Việt Nam giúp chúng ta hiểu mảnh đất nơi ta ở để thêm yêu quê hương, đất nước. Cây di sản vì thế được nhiều người gọi là "mảnh hồn làng”./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết