Long An thúc đẩy sản xuất ổn định lương thực
Tập trung sản xuất
Toàn tỉnh có 313.000ha đất nông, lâm nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là lúa, thanh long, chanh, rau màu các loại, khoai mỡ, bò sữa, bò thịt, tôm nước lợ,... Những năm qua, tỉnh tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được thực hiện chặt chẽ, kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện, đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế của từng vùng sinh thái, phù hợp xu thế phát triển thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị sản phẩm; tập trung tái cơ cấu, bố trí mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao; gắn sản xuất với chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường,... Trong lĩnh vực trồng trọt, lúa vẫn là cây trồng chính của tỉnh với sản lượng bình quân hàng năm trên 2,7 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 50% tổng sản lượng lúa. Hàng năm, có trên 30.000 lượt nông dân được chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ. Giám đốc Hợp tác (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Để nông dân sản xuất hiệu quả, HTX chính thức triển khai mô hình Cánh đồng lớn theo liên kết “4 nhà” và hỗ trợ các thành viên ứng dụng tia laser trong khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” vào năm 2013; đồng thời, là đại lý cấp 1 cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống, giúp nông dân giảm chi phí hơn 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài. Hiện HTX có hơn 100 thành viên, sản xuất trên 500ha với cây trồng chủ lực là cây lúa”.
Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng
Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất, tỉnh đã chuyển đổi trên 25.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả như chanh, thanh long, nuôi thủy sản,... và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp quy hoạch và lợi thế vùng. Riêng năm 2019, tỉnh chủ động chuyển trên 2.700ha đất trồng lúa sang trồng 670ha thanh long, 150ha chanh, 383ha mít, 365ha dừa, 80ha bưởi, 40ha sầu riêng,... và chuyển sang nuôi, ươm giống thủy sản khoảng 1.100ha; đồng thời ƯDCNC trong sản xuất. Tiêu biểu như hộ ông Lý Thành Tài, ngụ xã Long Sơn, huyện Cần Đước, đã chuyển 2.500m2 đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Hay ông Ngô Văn Tráng, ngụ xã Tân Ân, huyện Cần Đước, trồng thử nghiệm 1.000m2 cây bình bát ghép với cây mãng cầu gai trên đất phèn, mặn. Cây phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi gốc mãng cầu thu được khoảng 30kg trái, bán với giá khoảng 20.000 đồng/kg, thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Đây là mô hình được ngành nông nghiệp huyện Cần Đước khuyến cáo áp dụng đối với các vùng đất bị nhiễm phèn, ngập mặn vì chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, để thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Đến nay, tỉnh hỗ trợ xây dựng 10 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt thực hiện ứng dụng công tác quản lý sản xuất theo quy trình VietGAHP.
Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng
Bảo đảm sản xuất hiệu quả
Để phục vụ sản xuất hiệu quả, tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Đến nay, hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được củng cố, đầu tư khá đồng bộ và theo hướng đa mục tiêu, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành. Toàn tỉnh có 399km kênh trục chính (12 kênh); 2.500 km kênh cấp I; 2.200km kênh cấp II; 174 trạm bơm điện và nhiều công trình, dự án thủy lợi quan trọng đã được đầu tư, đáp ứng được trên 80% yêu cầu tưới tiêu, ngăn mặn và 60% yêu cầu chống lũ sớm”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, công tác xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng nông sản cũng được ngành đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 22 điểm bán nông sản an toàn và 17 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Toàn tỉnh có gần 370ha lúa, 115ha rau, 540ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; vài cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản được chứng nhận VietGAHP. Hiện ngành tiếp tục triển khai hỗ trợ HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 270ha. Toàn tỉnh có gần 10.000ha thanh long, hơn 3.400ha dưa hấu, gần 200ha chuối được cấp mã số vùng trồng; 120 cơ sở đóng gói hoa, quả được cấp mã số. Ngành đã hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 3 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh gạo, rau; đang tiếp tục triển khai hỗ trợ 7 doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi tem truy xuất nguồn gốc.
Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng
Vẫn còn khó khăn
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Tuy việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả nhưng vẫn tồn tại khó khăn trong việc bảo đảm an ninh lương thực ở tỉnh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn lúng túng, mang tính tự phát cao, kinh tế hộ vẫn là hình thức chủ yếu. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao, thiếu bền vững; các cơ sở công nghiệp chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu; liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế, tình trạng “được mùa - mất giá” vẫn diễn ra. Hoạt động kinh tế của các HTX, tổ hợp tác còn non yếu, chưa phát huy vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp - dịch vụ, giảm dần nông nghiệp, ngày càng nhiều lao động trẻ từ nông thôn lên thành phố tìm việc hoặc tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động nông nghiệp”.
Nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp phải bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức đó bởi là ngành tạo ra lương thực, thực phẩm nên lúc nào cũng phải bảo đảm cung ứng vững chắc cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, không để thực phẩm tăng giá và tránh trục lợi. Do vậy, ngành cần thúc đẩy sản xuất kèm theo các giải pháp ứng phó với dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, sau dịch bệnh, thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa. Vì vậy, ngành phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu.
“Dù khó khăn “kép” nhưng ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu “kép” là xuất khẩu và an sinh, bảo đảm môi trường bền vững. Để bảo đảm mục tiêu đó, các địa phương phải nhận diện rõ nguy cơ, thách thức để có các giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Nhà nước. Các đơn vị và kể cả doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò của người đứng đầu, phát huy lợi thế để biến nguy thành cơ, khai thác hết các cơ hội có được. Vụ Đông Xuân 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua nhiều địa phương đã sáng tạo nên “né” được hạn, mặn. Tuy nhiên, vụ Hè Thu dự báo tiếp tục gặp thách thức về hạn hán ở một số vùng, nếu các địa phương có giải pháp tốt thì sẽ đạt kết quả tốt” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói rõ./.
Huỳnh Phong