Tiếng Việt | English

23/06/2023 - 15:53

Thường trực HĐND tỉnh giám sát UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 23/6, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn có buổi giám sát với UBND tỉnh Long An về cải thiện môi trường đầu tư.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 3.335 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 52.374 tỉ đồng; giải thể 536 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 1.069 doanh nghiệp và 620 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15.621 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 358.021 tỉ đồng.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp thông tin một số kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư

Về số lượng dự án đầu tư trong nước, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.169 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 231.600 tỉ đồng. Về đầu tư nước ngoài, hiện tỉnh có 1.171 dự án, vốn đăng ký 10.124,6 triệu USD; trong đó, có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Đối với thu hút đầu tư trong khu công nghiệp, trong giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến ngày 29/3/2023, có 233 dự án mới, trong đó có 115 dự án đầu tư nước ngoài và 118 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới là 941,97 triệu USD và 39.659,14 tỉ đồng. Lũy kế từ khi có khu công nghiệp cho đến nay, thu hút được 1.775 dự án với tổng vốn đầu tư là 5.897,16 triệu USD và 129.621,4 tỉ đồng. Đối với khu kinh tế cửa khẩu, có 2 dự án FDI có vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2ha và 2 dự án tư nhân thuê 0,66ha đất. Đối với cụm công nghiệp, lũy kế đến nay có 23 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 812,3ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động 87,5%.

Các đại biểu đặt một số nội dung về cải thiện môi trường đầu tư

Hiện tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư như chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp cũng như chỉ đạo ngành Thuế thực hiện triển khai các hoạt động đồng hành hỗ trợ người nộp thuế và công tác cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài khi tổ chức thành công 3 đoàn công tác đi đến các quốc gia đối tác chiến lược tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc do Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn; tổ chức thành công các Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An tại Nhật Bản; Hội thảo Giới thiệu nguồn nhân lực của tỉnh Long An tại Nhật Bản; Diễn đàn đầu tư tỉnh Long An tại Úc. Qua đó, đã thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Coca Cola (Mỹ), Tập đoàn Lotte, STS (Hàn Quốc) đến đầu tư.

Ngoài ra, đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã giúp tạo ra sự định hướng cho việc phát triển KT-XH của tỉnh trong từng giai đoạn, giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng, cơ hội phát triển và hướng đi của tỉnh Long An. Đồng thời, việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đầu và có tính cạnh tranh cao đã giúp đưa ra các chính sách, cơ chế và hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm giải trình một số nội dung của đoàn giám sát

Để thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển KT-XH; khắc phục tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, chủ động rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không còn cần thiết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số hạn chế như việc tiếp cận, kết nối thu hút đầu tư các dự án lớn của nước ngoài còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút đầu tư đặc biệt dành cho các dự án trọng điểm. Các thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh được thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn một số thủ tục chưa thật sự tạo được thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, công tác tiếp cận đất đai vẫn còn chậm. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn đang trong tiến trình đầu tư để đồng bộ hoá, một số nơi chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia,…

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, công tác quy hoạch của tỉnh còn một số bất cập, hiện các khu công nghiệp đều được quy hoạch để tiếp nhận đa ngành nghề, dù dễ tiếp nhận đầu tư nhưng thiếu đi tính đặc thù, không có khu công nghiệp nào có đặc thù riêng. Một số dự án còn kéo dài, chậm triển khai gây bức xúc cho người dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều phát biểu tại buổi giám sát

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều ghi nhận những nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan trong cải thiện môi trường đầu tư. Ông đề nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đến người dân, doanh nghiệp; làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Đặc biệt, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tiếp tục thực hiện tốt vai trò chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “thông thoáng, an toàn, hiệu quả”, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, lao động nhằm đáp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết