Tiếng Việt | English

12/07/2017 - 09:52

Tiễn biệt bác Tám - Vị chủ tịch cải cách, ông “Bao Công” giải “đại oan án”

Trong thời kỳ làm Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Lê Quang Thẩm (bác Tám) tạo dấu ấn “cải cách hành chính” từ những năm cuối của thập niên 80. Khi làm Phó Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), bác giải quyết “đại oan án” kéo dài hơn 10 năm, đề nghị cách chức một thứ trưởng đương quyền. Sự nghiệp của bác xứng đáng là “Bao Công” thời nay.

Trong thập niên đầu tiên sau 1975, mỗi vị chủ tịch UBND tỉnh đều tạo ra dấu ấn cho bước đường đi lên của tỉnh. Bác Nguyễn Văn Mới (Ba Mới) với biệt danh “ông Ba Núi Sập” huy động sức mạnh toàn dân vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa xây dựng hậu phương. Bác Huỳnh Công Thân (Tư Thân) quyết liệt làm lộ 49, tiến công lấp kín, khai thác Đồng Tháp Mười thành vựa lúa của cả nước. Tiếp đó, bác Lê Quang Thẩm cải cách hành chính trong guồng máy chính quyền của tỉnh trước cả nước gần 30 năm.

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chú Tám Thẩm, tháng 8/2011. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Không làm việc tại nhà, ngoài giờ hành chính

Bác Tám Thẩm tốt nghiệp Ðại học chuyên ngành Kế hoạch ở Liên Xô, từng gắn liền với những trọng trách: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhưng dường như tư duy của bác không bị gò bó, xơ cứng trong lý thuyết mô hình Xô Viết mà được biến hóa thành những kiến thức quản lý khoa học trong tổ chức chính quyền địa phương vốn quá nhiều tồn tại của bộ máy quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp thời chiến.

Ngay khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, bác đề ra cải cách lề lối làm việc, mối quan hệ giữa UBND tỉnh với các sở, ngành. Trước hết là làm việc đúng giờ và chỉ làm việc trong giờ hành chính, tại cơ quan hành chính chứ không làm việc tại nhà. Giám đốc sở, ngành tỉnh, chủ tịch huyện, thị phải dự họp đúng thành phần, chuẩn bị kỹ nội dung của kỳ họp để có thể trả lời, giải quyết ngay các yêu cầu của UBND tỉnh, không phải chờ để hỏi lại cấp dưới, xin báo cáo sau,... UBND tỉnh điều hành guồng máy, các địa phương qua kế hoạch. Các địa phương, sở, ngành cụ thể hóa kế hoạch cho cơ quan, địa phương mình theo nhiệm vụ chung chứ không chờ, xin ý kiến chỉ đạo cụ thể. Khi áp dụng cũng ít nhiều có ý kiến khác nhau.

Nhiều người quen với tác phong đi thực tế, ra lệnh miệng để giải quyết các tình huống cụ thể của bác Tư Thân nên cho rằng, lãnh đạo như bác Tám là quan liêu. Nhiều vị giám đốc quen cử cấp phó họp thay hoặc đi họp mà không chuẩn bị kỹ nội dung nhiều lần “đỏ mặt tía tai” vì bị bác nhắc nhở, phê bình công khai. Thực tiễn cải cách hành chính khẳng định, đó là sự chấn chỉnh đúng đắn của khoa học quản lý, tránh các hiện tượng bè phái, lợi ích nhóm tác động đến các chủ trương. Chính thực tiễn Long An cũng cho thấy, những cái lỗi trong quản lý như một phần đất được một vị lãnh đạo tỉnh phân cấp cho 2 đơn vị khác nhau không xảy ra trong thời bác Tám Thẩm.

Cân nhắc, chăm chút cho công trình cần thiết

Bác Tám không xuề xòa, gần gũi theo kiểu hình thức, hay xuê xoa nhau trong sinh hoạt, chè chén. Thời ấy, tỉnh nghèo, xe không đủ đi, Chủ tịch UBND tỉnh được ưu tiên chiếc Peugeot sang nhất. Bác Tám quyết đổi chiếc xe sang lấy 4 chiếc Lada của Liên Xô để phân cấp thêm cho cán bộ ban, ngành tỉnh, bác cũng đi xe Lada như các cán bộ khác. Chính do điều hành bằng kế hoạch trong lúc tỉnh còn nghèo, việc phân bổ đầu tư được cân đối, chặt chẽ hơn, tránh cảnh “nơi thừa, nơi thiếu”. Nhà Thiếu nhi tỉnh sớm ra đời với cơ sở khang trang thời điểm đó cũng là nhờ sự cân đối và quyết tâm của bác ưu tiên cho thế hệ mầm non.

Gia đình bác Tám chúc mừng ông Trương Tấn Sang khi được bầu làm Chủ tịch nước (năm 2011)
Ảnh: Giản Thanh Sơn

Hỗ trợ nhà báo tác nghiệp

Với cấp dưới, trong các quan hệ liên quan, bác Tám không nề hà thứ bậc mà hỗ trợ tối đa cho họ hoàn thành công việc. Chúng tôi may mắn nhiều lần được hưởng sự hỗ trợ đó. Trong buổi làm việc với Đại sứ Philippine, bác Tám thật lịch lãm mở đầu câu chuyện rất tế nhị: “Được biết, Philippine là xứ sở của bão tố, Việt Nam cũng từng chia sẻ với Philippine những khó khăn ấy nên tôi tin rằng, 2 dân tộc chúng ta sẽ đồng cảm và đoàn kết...”. Sự mở đầu ấm áp đó làm câu chuyện đôi bên nồng ấm và thú vị, tôi (chỉ được tham dự để tường thuật) bỗng nổi máu nghề “cướp cò” soạn một số câu hỏi phỏng vấn ngài đại sứ, chuyển cho bác Tám và nôn nóng chờ kết quả. Cuối buổi làm việc, bác Tám điềm nhiên chỉ tôi và giới thiệu: "Trong buổi làm việc hôm nay, phóng viên Báo Long An có nhã ý phỏng vấn ngài. Nếu ngài đại sứ vui lòng, xin dành cho báo ít thời gian". Thế là cuộc phỏng vấn đột xuất của tôi được tiến hành trót lọt, tôi cứ ngỡ các câu hỏi được bác Tám đọc qua, thế nhưng bất ngờ khi khách ra về, bác bảo tôi “Thấy cháu đưa tờ giấy, chú hiểu ý, nói đại vậy thôi, không mang kiếng, đâu biết cháu viết gì?”.

Thời đó, phóng viên không có máy ghi âm, máy ảnh, dùng toàn máy Zennit đời cũ của Liên Xô, ngân sách Đảng cấp như thế nào dùng thế đó, không biết xin ai, càng không có ý tưởng xin UBND tỉnh không phải là hệ quản lý mình. Vậy mà, có lần nhìn cái đống hàng cổ lỗ của chúng tôi, bác nói: “Mấy cháu về làm đề xuất với tư cách Hội Nhà báo, chú sẽ duyệt cho một máy ảnh và máy ghi âm”. Báo Long An có máy Pentax xịn đầu tiên là nhờ bác Tám.

“Bao Công” gỡ oan 10 năm cho 6 công nhân

Công việc đang dở dang thì bác phải điều trị bệnh dài hạn ở Liên Xô, sau đó được điều về làm Phó Tổng Thanh tra Nhà nước. Tại đây, sự công tâm, chặt chẽ về hành chính của bác được nâng tầm, trong nhiệm kỳ này, nhiều cuộc thanh tra chấn động được tiến hành đến nơi, đến chốn, trong đó, nổi bật là Thanh tra Tổng Công ty Dầu và Cây có dầu, phát hiện tiêu cực và Chính phủ phải “thay máu” toàn bộ ban lãnh đạo.

Đặc biệt nhất là việc làm sáng tỏ "đại oan án" tiêu cực 51 tấn bột ngọt ở Nhà máy Thiên Hương mà báo chí và dư luận âm ỉ hơn 10 năm trời vẫn chưa giải quyết. Năm 1979, ông Nguyễn Thiện Luân được điều về làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Bột ngọt kiêm Giám đốc Nhà máy Thiên Hương. Liên tục sau đó, sản lượng của nhà máy tụt giảm. Tháng 3/1983, đoàn thanh tra của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) vào cuộc thì ông Luân đối phó bằng cách báo cáo một số cán bộ, nhân viên ăn cắp 51,8 tấn bột ngọt. 6 cán bộ, công nhân lành nghề bị bắt giam từ tháng 5/1983 đến tháng 12/1985.

Ông Lê Quang Thẩm (thứ 2, trái qua) khi đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Long An Ảnh: Giản Thanh Sơn

Khi bác Tám nhận nhiệm vụ Phó Tổng Thanh tra Nhà nước và tiến hành thanh tra, lòng người khấp khởi và kỳ vọng. Quả nhiên, ngày 09/8/1991, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước kết luận về vụ vu khống nghiêm trọng này và kiến nghị xử lý nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc cách chức ông Nguyễn Thiện Luân (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm). Tuy nhiên, khi bộ này sáp nhập với Bộ Thủy lợi, ông Luân tiếp tục giữ chức thứ trưởng cho đến khi xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh năm 2001, ông Luân mới ra vành móng ngựa.

Sau khi về hưu, bác Tám sống ở TP.HCM nhưng trái tim vẫn hướng nhịp đập về Long An. Với vai trò Trưởng ban Liên lạc Đồng hương Đức Hòa, bác kết nối tình thân và huy động nhiều chương trình từ thiện xã hội cho địa phương. Viết những dòng tưởng niệm này, thế hệ chúng cháu và người dân Long An thành kính tri ân và tiễn đưa bác - vị chủ tịch mẫu mực, ông “Bao Công” thời đại về cõi vĩnh hằng./.

Lê Đại Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết