Nhiều kết quả nổi bật
Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn cho biết, trong 8 lĩnh vực được Bộ Nội vụ đánh giá, tỉnh có 3 lĩnh vực tăng hạng so với năm 2022, gồm: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách công vụ và tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Đối với lĩnh vực cải cách TTHC, tỉnh đạt 12,98/13 điểm, chiếm 99,84%; xếp hạng 5/63 (tăng 50 bậc so năm 2022, từ hạng 55 lên hạng 5). Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đạt được kết quả này, năm 2023, tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác kiểm soát quy định TTHC, công khai TTHC và các quy định có liên quan; triển khai, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, 100% TTHC được đưa vào tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” các cấp, thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức khi giải quyết hồ sơ trễ hạn, đưa TTHC ngành dọc thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” các cấp theo danh mục được phê duyệt, kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết,...
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Cùng với cải cách TTHC, lĩnh vực cải cách công vụ tỉnh cũng đạt kết quả khá cao. Tỉnh đạt 13,6/15 điểm, chiếm 90,66%; xếp hạng 1/63 (tăng 6 bậc so với năm 2022, từ hạng 7 lên hạng 1).
Đối với nội dung thực hiện, tỉnh đạt 6/6 điểm thực hiện bố trí công chức, viên chức (CCVC) cơ bản bảo đảm theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; thực hiện tuyển dụng CCVC theo quy định, hoàn thành 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (CB), CCVC của tỉnh. CBCCVC chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính;...
Trong lĩnh vực Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH, tỉnh đạt 13,51/16,5 điểm, chiếm 81,87%; xếp hạng 11/63 (tăng 15 bậc so năm 2022, từ hạng 26 lên hạng 11).
Tuy vậy, một số lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của tỉnh năm 2023 đã giảm thứ hạng. Cụ thể, tỉnh có 5 lĩnh vực giảm hạng so với năm 2022, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Do vậy, để giữ vững và tiếp tục nâng cao PAR Index của tỉnh năm 2024, bảo đảm nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước, cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, căn cứ vào nhiệm vụ tại bảng phân công nhiệm vụ tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCHC trong năm 2024.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn, để tiếp tục cải thiện PAR Index trong năm 2024, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Sở Nội vụ sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả CCHC, cải thiện, nâng cao PAR Index gắn với việc chấm điểm, đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương; đồng thời, quan tâm đề xuất khen thưởng đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị có mô hình, sáng kiến, cách làm hay nhằm cải thiện các chỉ số PAR, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, CBCCVC trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong quá trình triển khai xác định PAR Index hàng năm của tỉnh.
Sở Tư pháp là đơn vị 2 năm liên tiếp (2022, 2023) đứng đầu các sở, ngành tỉnh về chỉ số CCHC. Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung chia sẻ, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc, công tác chỉ đạo triển khai kế hoạch CCHC của Sở được thực hiện nghiêm túc, chủ động, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành. Các chủ trương, văn bản, kế hoạch của Chính phủ, của tỉnh về công tác CCHC được phổ biến, quán triệt kịp thời, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Kế hoạch CCHC của Sở xác định đầy đủ các nhiệm vụ CCHC trên các lĩnh vực theo Chương trình CCHC của Chính phủ, của tỉnh, các kết quả đã đạt được xác định rõ ràng, cụ thể và xác định rõ trách nhiệm triển khai của các đơn vị thuộc Sở. Mức độ hoàn thành kế hoạch CCHC đạt 100% theo kế hoạch, gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác thi đua, khen thưởng của Sở.
Năm 2024, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC theo kế hoạch và theo quy định của ngành, lĩnh vực quản lý; công bố TTHC/danh mục TTHC bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác, đồng bộ, minh bạch, thống nhất và đúng thời hạn; niêm yết công khai TTHC kịp thời, đầy đủ, rõ ràng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Đồng thời, Sở tiếp tục cải cách quy trình xử lý hồ sơ, công việc trong cơ quan và giữa các cơ quan, các cấp với nhau; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Ngoài ra, Sở xây dựng đội ngũ CCVC có đạo đức, trong sạch, có năng lực trong thực thi công vụ, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đạt tiêu chuẩn theo quy định; nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC và chất lượng xử lý công việc; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến khi thực hiện TTHC.
Cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính
Là đơn vị có chỉ số CCHC cao nhất trong các xã, thị trấn tại huyện Đức Hòa, thời gian qua, công tác CCHC được xã Đức Lập Thượng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2023, xã ban hành kế hoạch thực hiện công tác CCHC trên địa bàn xã với 6 nội dung, 22 mục tiêu và 7 lĩnh vực, 24 nhiệm vụ. Các ngành chuyên môn căn cứ từng nhiệm vụ, thời gian của kế hoạch đã thực hiện hoàn thành 24/24 nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND xã Đức Lập Thượng - Lê Hữu Phi cho biết, năm 2024, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn áp dụng đúng các biểu mẫu báo cáo định kỳ giải quyết hồ sơ theo đúng quy trình, có phân công CBCC hướng dẫn tổ chức, cá nhân các TTHC. Công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính được xã thực hiện đúng quy trình, thủ tục và thời gian quy định. Việc giải quyết các TTHC diễn ra nhanh, gọn. Thái độ phục vụ của CBCC tiếp công dân niềm nở, lịch sự. Đặc biệt, xã tiếp tục duy trì, thực hiện và nâng cao chất lượng mô hình 6 biết: Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi với phương châm “Làm hết việc, không hết giờ” đối với CBCC và người lao động nhiệm kỳ 2021-2026 của UBND xã Đức Lập Thượng.
Mô hình góp phần nâng cao thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ của CBCC và người lao động tại đơn vị. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCC và người lao động trong việc tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao chỉ số CCHC của địa phương./.
Hà Lan