Tiếng Việt | English

13/05/2024 - 11:55

Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS), phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh nhanh hơn

1. Theo kết quả đánh giá PAR INDEX năm 2023, tỉnh đạt 89,22%, tăng 1,81% so với năm 2022, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giữ hạng so với năm 2022 (8/63), đứng 1/13 các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 40,83 điểm; so với năm 2022 tăng 1,03 điểm và tăng 11 bậc, xếp hạng thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn cho biết, để đạt những kết quả trên, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền số, CĐS; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác CĐS, đặc biệt là tập trung thực hiện công tác CĐS và lộ trình tắt sóng di động 2G trên địa bàn tỉnh; triển khai, thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên môi trường điện tử; củng cố, nâng cao nhận thức, kỹ năng CĐS cho Tổ công nghệ số cộng đồng;… Đây là một trong những việc làm hiệu quả thúc đẩy tiến trình CĐS.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; đẩy mạnh phân cấp giải quyết TTHC; tăng cường số hóa hồ sơ, giấy tờ, chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện việc cung cấp trực tuyến, nhất là đối với các dịch vụ công thiết yếu.

Người dân quét mã QR thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ

Quí I/2024, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử toàn tỉnh là 60,83%; hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC toàn tỉnh là 60,56%. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được cải thiện. Đến ngày 14/3, Cổng DVCTT của tỉnh cung cấp 1.578/1.850 DVCTT (đạt 85,3%); có 375/386 DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 97,15%); có 62.968/64.022 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 98,35%).

2. Hiện nay, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đuợc duy trì triển khai đồng bộ tại 19/19 sở, ngành tỉnh, 15/15 UBND cấp huyện và 188/188 UBND cấp xã (với hơn 9.200 tài khoản được cấp), bảo đảm gửi, nhận văn bản liên thông trong nội bộ các cơ quan nhà nước của tỉnh, giữa tỉnh với các cơ quan Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Quí I/2024, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước tại cấp tỉnh, huyện đạt 100% (33.557/33.557 văn bản đi), cấp xã đạt 100%.

Toàn tỉnh có 4.938 chứng thư số chuyên dùng của Chính phủ được cấp cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 100% UBND các cấp, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện được cấp chứng thư số cho cơ quan và lãnh đạo. Quí I/2024, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số tại cấp tỉnh, huyện đạt 99,96% (33.545/33.557 văn bản đi), cấp xã đạt 99,92%.

Ông Trần Hải Tuấn cho biết thêm, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, hiện các cấp, các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, trọng tâm là cắt giảm TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số, CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị cũng đa dạng hóa cách thức truyền thông, bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân được tiếp cận các thông tin về CCHC, đặc biệt là những hiệu quả tích cực mà CCHC mang lại, những cách thức mà người dân có thể đồng hành cùng với cơ quan hành chính nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả công tác CCHC như sử dụng DVCTT, dịch vụ thanh toán trực tuyến, tham gia góp ý qua các kênh mà cơ quan nhà nước lấy ý kiến của Nhân dân về xây dựng chính sách,...; đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS, giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến. Có như vậy mới huy động sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình CĐS, góp phần đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy KT-XH phát triển./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết