Tiếng Việt | English

11/12/2020 - 09:19

Tiếp tục đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí (LP) là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu và sự chung sức của toàn thể nhân dân.

Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành liên quan kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại thị xã Kiến Tường

Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành liên quan kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại thị xã Kiến Tường

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo và quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy vào ngày 13/6/2013. Qua 8 năm thực hiện nhiệm vụ, công tác PCTN, LP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều giải pháp PCTN được triển khai sâu, rộng trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân.

Trên lĩnh vực phòng ngừa tham nhũng, LP, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động; xây dựng, thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ,
quyền hạn; chuyển đổi công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thiện Hòa khẳng định, qua thực hiện các nhóm giải pháp về phòng ngừa tham nhũng đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác PCTN, LP.

8 năm qua, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát về PCTN đối với 14 cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó, kết luận chỉ đạo chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành 659 cuộc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện sai phạm với số tiền gần 90 tỉ đồng và trên 271ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 56 tập thể, 234 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra thụ lý 15 vụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 41 tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội tham nhũng, giải quyết 36 tin; trong đó khởi tố 30 tin, không khởi tố 4 tin, tạm đình chỉ 2 tin chờ kết luận giám định và đang giải quyết 5 tin.

“8 năm qua, số vụ việc được phát hiện và xử lý liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ án với 42 bị cáo, thu hồi số tiền gần 6,9 tỉ đồng trong số trên 8,5 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng” - Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thiện Hòa cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy, mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác PCTN, LP, tuy nhiên, công tác PCTN là nhiệm vụ khó, phức tạp và qua thực tế triển khai vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ giám định tư pháp ở một số lĩnh vực dẫn đến một số vụ án bị kéo dài do tạm đình chỉ chờ kết quả giám định; việc phát hiện các vụ việc liên quan đến tham nhũng qua kiểm tra nội bộ còn ít. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN tuy có hiệu quả nhưng nội dung chưa thật sự hấp dẫn, nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên, chưa có sự tác động làm thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng, LP. Việc tham gia PCTN của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm nhiều,...

Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thiện Hòa cho biết: “Từ thực tế trong công tác đấu tranh PCTN, LP đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải có quyết tâm chính trị vững vàng, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu và quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn công tác PCTN, LP với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Song song đó, cấp ủy Đảng, chính quyền cần thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ, tuyển chọn cán bộ, công chức thật sự có đức, có tài, tâm huyết với công việc nhằm phục vụ nhân dân cũng như tăng cường minh bạch hóa nhiệm vụ, chương trình kế hoạch công tác, quy trình thủ tục giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giám sát việc thực hiện, đẩy lùi phạm vi hoạt động của tham nhũng, LP.

Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tin báo tố giác tội phạm liên quan đến tham nhũng, LP; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện sai phạm, chấn chỉnh kịp thời. Khi phát hiện tham nhũng phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo pháp luật nhằm bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung. Đặc biệt, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, LP.

Theo số liệu thống kê của Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến tháng 5/2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Trong đó, có 23 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (có 2 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, 1 đồng chí nguyên ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, tính từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến hết tháng 5/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 12.178 vụ/20.668 bị can, truy tố 10.397 vụ/20.354 bị can, xét xử sơ thẩm 9.918 vụ/19.026 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ.

Trong số các vụ việc đã được phát hiện, điều tra, xử lý, có nhiều vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng từng được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” và nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong PCTN, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, đánh giá cao./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết