Tiếng Việt | English

19/10/2020 - 10:52

Huy động sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN, LP) có thể thấy, TN, LP có thể xảy ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, để công tác PCTN, LP thực sự hiệu quả phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần tặng bằng khen các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác PCTN, lãng phí năm 2019

Xét xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, từ năm 2016 đến hết tháng 10/2020, TAND 2 cấp đưa ra xét xử đối với 17 vụ/20 bị cáo liên quan đến các hành vi tham nhũng. Trong đó, TAND tỉnh xét xử 3  vụ sơ thẩm và TAND cấp huyện xét xử 14 vụ. Qua các vụ án liên quan đến tham nhũng cho thấy, các hành vi phạm tội chủ yếu là tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ, đưa hối lộ và giả mạo trong công tác.

Cụ thể như vụ việc nguyên Thiếu úy Huỳnh Duy Thanh, Công an huyện Bến Lức, tham ô số tiền hơn 2,3 tỉ đồng của đơn vị; Nguyễn Quốc Lộc - kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội huyện Mộc Hóa, tham ô hơn 1,7 tỉ đồng; Huỳnh Văn Hữu - nguyên cán bộ quản lý thị trường, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ;... Các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh được phát hiện hầu hết là các vụ tham nhũng nhỏ, tính chất, mức độ hành vi không phức tạp. Điều đó cho thấy, việc phát hiện tham nhũng hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thông tin từ Công an tỉnh, hiện nay, việc phát hiện và xử lý hành vi liên quan đến tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng thực hiện rất tinh vi, có tính liên kết lợi ích; pháp luật vẫn còn những kẽ hở nhất định để các đối tượng có điều kiện lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Một yếu tố nữa là đối tượng phạm tội liên quan đến tham nhũng thường là chủ thể đặc biệt, có chức vụ, có ảnh hưởng và quan hệ xã hội rộng. Trong quá trình thực hiện hành vi đã có sự chuẩn bị trước và hợp thức hóa hành vi, gây khó khăn cho quá trình phát hiện, thu thập tài liệu.

Huy động sức mạnh tổng hợp

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác PCTN, LP vẫn còn những hạn chế nhất định khi việc chủ động phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của cơ quan chức năng còn ít, chủ yếu vẫn qua dư luận xã hội, báo chí, đơn thư tố cáo, tin báo tội phạm. Tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị, trên một số lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng.

Thông tin từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP có thể thấy, TN, LP có thể xảy ra trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, để công tác PCTN, LP thực sự hiệu quả, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự điều hành, xử lý hiệu quả của chính quyền các cấp; cần nghiên cứu, bổ sung thể chế, cơ chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là sự thống nhất hành động từ trong Đảng, chính quyền đến từng cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, nhất là cán bộ chủ chốt.

Tỉnh thường xuyên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN, LP đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cán bộ chủ chốt ở các cấp gắn với việc triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị để các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân thấm nhuần các nội dung cốt lõi trong đấu tranh PCTN.

Bên cạnh đó, tỉnh phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, LP. Trong đó, tập trung phát huy vai trò của Ủy ban Kiểm tra các cấp, các cơ quan chuyên môn có chức năng PCTN và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, giáo dục, giám sát, phản biện, tố giác hành vi TN, LP.

Đối với các cơ quan có chức năng PCTN, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, củng cố, kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật thực sự trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, tỉnh cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của Nhà nước, kỷ luật của Đảng đối với những người có hành vi TN, LP; phải thực hiện xử lý vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khi để xảy ra TN, LP./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết