Tiếng Việt | English

16/03/2021 - 15:04

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hoạt động “quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất”

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Được thành lập ngày 19/8/2016, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác). Sau 5 năm, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương,… Tổ chức 16 cuộc làm việc với các cơ quan, Hiệp hội, Hội đồng tư vấn du lịch để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách, những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác có nhiều chuyển biến rất tích cực, ngày càng thực chất. Cuối năm 2020, có 180/9.721 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8%, giảm 23,4% so với năm 2016, thời điểm Tổ công tác chưa thành lập. Tính đến tháng 02/2021, đã hoàn thành 2.492/2.504 đề án giao, đạt tỷ lệ 99,5%, chỉ còn 12 đề án chưa trình (chiếm 0,5%), giảm 47 đề án và chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (cuối nhiệm kỳ 2011 - 2016, còn 59/2.600 đề án nợ đọng). Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn nợ đọng 3 văn bản quy định chi tiết của năm 2020 (cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản).

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An

Song song đó, Tổ công tác cũng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Thúc đẩy mối quan hệ phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp ngàng càng cởi mở, việc trao đổi, chia sẻ, phản ánh thông tin của doanh nghiệp trung thực, chính xác hơn. 

Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương làm dư luận quan tâm, bức xúc đã được Tổ công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2017 – 2020, có 18.809 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã được tiếp nhận, trong đó, 4.738 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương. Kết quả đã trả lời, đăng tải công khai 3.943 phản ánh, kiến nghị đạt tỷ lệ 83,22%.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác trong 5 năm qua. Tổ công tác đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn chủ động nắm bắt mọi tình hình, phát huy tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm. Tổ công tác đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Hoạt động của Tổ công tác đã hiện thực hóa hiệu quả quan điểm, tinh thần cải cách mạnh mẽ, ưu việt trong phương thức chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ để đạt mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết