Anh Nguyễn Thanh Phong (ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa) vui vẻ, lạc quan với cuộc sống hiện tại
Giờ đã tuổi 45, có nghề ổn định lo cho cuộc sống, chuyện đau buồn năm xưa là quá khứ mà anh cho rằng không thể cứ ngồi đó than thân, trách phận. Sau biến cố cuộc đời, anh suy nghĩ tích cực hơn. “Còn lao động được là còn hạnh phúc. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” như những câu “thần chú” mà anh tự nhắc nhở mình để sống vui, sống đẹp và làm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Biến cố cuộc đời ở tuổi 23
Anh Phong từng có sức khỏe tốt và một ước mơ về tương lai rộng mở phía trước. Nhưng biến cố của cuộc đời tưởng chừng đã lấy đi tất cả, kéo anh trôi tuột xuống “vực thẳm” trong chuỗi ngày đen tối.
Năm 2002, khi mới 23 tuổi, đang là sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, ngành Cơ khí động lực, trong một lần trên đường đi từ nhà đến thị trấn Đức Hòa, anh bị 2 thanh niên chạy xe máy lao từ trong hẻm ra, tông thẳng. Cú va chạm mạnh khiến anh bị hất văng xuống mặt đường, không thể cử động.
Khi biết nửa thân người bên dưới bị liệt, đôi chân lành lặn không thể đi, đứng được bởi chấn thương cột sống, anh bi quan. Từ biến cố ấy, ước mơ ngày ra trường trở thành kỹ sư sửa chữa ôtô để lo cho mẹ, đỡ đần cho cha, phụ giúp nuôi 6 đứa em đành dang dở. Anh tiếc nuối nhưng bất lực! Anh đã khóc, khóc rất nhiều. “Nhiều lần tôi khóc như một đứa trẻ con” - anh Phong nhớ lại.
Kể về ngày định mệnh của cuộc đời mình, giọng anh chùn xuống. Anh Phong kể, ngày đó, nhìn cha mẹ và các em cứ ngày đêm cận kề chăm sóc, lo toan mọi chuyện từ ăn uống, sinh hoạt cá nhân mà lòng anh đau thắt và càng buồn cho số phận của mình. “Trước mặt, cha mẹ và các em khi nào cũng cười và động viên tôi nhưng đằng sau đó, tôi biết là những nỗi buồn vô tận. Có lúc tôi nghĩ sống như vậy thì còn ý nghĩa gì. Đã có lúc tôi suy nghĩ tiêu cực, muốn chết đi để gia đình bớt gánh nặng” - anh Phong tâm sự.
Rồi khi biết điều đó, mẹ anh đã khóc rất nhiều, còn khuôn mặt cha trầm tư thể hiện rõ sự lo lắng. Cảnh nhà khi ấy nghèo, lại đông con nhưng cha mẹ vẫn quyết định bán mảnh ruộng được 60 triệu đồng để lo thuốc thang, điều trị cho anh.
Thấy “lá vàng” phải vất vả lo cho “lá xanh”, anh Phong trằn trọc suy nghĩ “bây giờ có chết đi cũng không giải quyết được gì mà càng gây thêm nỗi đau cho người ở lại. Thôi thì phải cố gắng sống thế nào để không trở thành gánh nặng cho gia đình”.
“Thời điểm đó, tôi chỉ mong một điều rất nhỏ như thế nhưng hóa ra, đó lại là động lực to lớn để tôi có được sức mạnh, niềm tin vượt lên sự nghiệt ngã của giông tố cuộc đời” - anh Phong nói.
Anh Nguyễn Thanh Phong luôn tự nói với lòng "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" để nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống
Hiểu được suy nghĩ, nỗi lòng của anh Phong, cả nhà luôn sát cánh, làm chỗ dựa tinh thần để anh cố gắng vượt lên chính mình. Căn phòng nhỏ mà anh nằm một chỗ suốt 2 năm dài từ ngày xuất viện trở về nhà được ông Nguyễn Thanh Phương (cha của anh Phong) đóng thêm một hàng gỗ song song với thanh chắn giường để tạo khung vịn cho anh tập đi. Phải nói rằng, giai đoạn này vô cùng khó khăn với anh, thậm chí khó hơn một đứa trẻ chập chững tập đi.
Làm sao di chuyển được qua khung gỗ rồi đứng lên. Và rồi câu nói “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” lại được anh nghĩ đến để nỗ lực vươn lên. Những lần tự hỏi và tự nhắc nhở bản thân như vậy, anh Phong lại có thêm ý chí, nghị lực để vươn lên.
Lúc đầu, anh tập lết để từ từ tập đứng lên. Anh muốn tự đứng lên bằng ý chí, nghị lực của mình. Chân đau đến tứa máu nhưng anh quyết không dừng lại, không bao giờ buông bỏ. “Khi 10 đầu ngón chân chảy máu cũng là lúc tôi đứng được, bắt đầu vịn khung để tập những bước di chuyển lại từ đầu. Cảm giác đó không thể nào quên, sung sướng đến tột cùng. Tôi đã khóc vì vui mừng” - anh Phong hồi tưởng.
Sau một năm dài tập luyện, thương tích, té ngã như “cơm bữa”, anh Phong đã đi lại được trên đôi nạng. Tự mình bước ra khỏi căn phòng nhỏ, anh đón nhận ánh sáng sau chuỗi ngày tăm tối.
Đôi nạng vẫn luôn bên anh mỗi khi cần di chuyển
Cuộc sống như được tái sinh, anh Phong càng có thêm niềm tin và động lực để bước tiếp hành trình. Vẫn là suy nghĩ “sống sao cho khỏi trở thành gánh nặng của gia đình”, năm 2005, anh Phong nhập học tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa). Nhà cách trường khoảng 7km nhưng di chuyển phải phụ thuộc cặp nạng nên mỗi ngày 4 lượt đi về, mẹ đều đưa đón anh. Chòm xóm thương, cảm động trước tinh thần, nghị lực của 2 mẹ con. Chở con trai ngồi phía sau, bà Trần Thị Gái chở cả tình thương, niềm hy vọng con trai sẽ vượt qua được chuỗi ngày sống trong tuyệt vọng, tối tăm.
Hình ảnh người mẹ gầy gò gần tuổi 50 chở con trai ngoài 20 tuổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi học ở trường nghề cách đây đã gần 20 năm nhưng đến nay vẫn làm nhiều người ở ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng nhớ mãi.
Anh Nguyễn Thanh Phong (đứng hàng đầu, bìa trái) là một trong những cá nhân dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc
Qua rồi cơn bĩ cực!
Ban đầu, khi đến với lớp Tin học văn phòng của Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, anh Phong chỉ muốn “giết thời gian” để không nhàm chán, không suy nghĩ tiêu cực. “Sau đó, được cô Tâm ở trường động viên học soạn thảo văn bản rồi ra trường có thể làm công việc đánh máy, in ấn nên tôi càng cố gắng học” - anh Phong kể.
Năm 2009, anh tốt nghiệp loại giỏi. Một công ty ở Khu công nghiệp Tân Đức (huyện Đức Hòa) đến trường tuyển lao động, nhìn bảng điểm của anh rất “ưng bụng dạ”. Nhưng khi gặp, nói chuyện trực tiếp, công ty lại từ chối nhận anh vào làm với lý do “công việc này phải di chuyển nhiều và anh đi lại khó khăn bằng đôi nạng nên không phù hợp”.
Anh Nguyễn Thanh Phong đến viếng Lăng Bác Hồ trong lần dự hội nghị tại Thủ đô Hà Nội
Ôm nỗi buồn lẫn tự ti trở về nhà, anh mơ hồ về những ngày sắp tới. Đúng lúc đó, một người bạn giới thiệu anh vào làm ở tiệm sửa máy vi tính Thuận Tiến (thị trấn Hậu nghĩa, huyện Đức Hòa). Công việc sửa máy vi tính đến như một sự tình cờ và buộc anh phải mày mò học hỏi. Từng là sinh viên học ngành Cơ khí động lực nên việc học sửa máy vi tính cũng chẳng làm khó được anh. Thời gian đó, mẹ tiếp tục là “đôi chân” giúp anh đến nơi làm việc. Không quản ngày nắng hay mưa, những cơn gió ngược chiều, bà vẫn cố gắng đạp xe chở con đi làm ngày 2 lượt. “Chỉ mong con sống vui là tôi vui, không có gì khổ cực cả!” - bà Gái (mẹ của anh Phong) tâm sự.
Sau một thời gian làm việc, với tính siêng năng, ham học hỏi, anh trở thành thợ sửa máy vi tính cứng nghề. Dần dần, anh được chủ tin tưởng, giao quản lý tiệm. 3 năm sau ngày đi làm, anh dành dụm tiền mua chiếc xe máy và mang đến tiệm nhờ chế lại, gắn thêm 2 bánh phía sau để có thể tự đi lại.
Hàng ngày khi đi xa, anh Nguyễn Thanh Phong di chuyển bằng xe gắn máy 3 bánh
Cứ thế, thời gian trôi qua, ngày qua ngày, anh vẫn cần cù lao động. Cửa tiệm ngày càng đông khách nên anh ít khi nào rảnh tay. Nhiều người gọi anh với biệt danh “Phong Vi Tính”. Khi dịch Covid-19 xảy ra, anh phải nghỉ việc. Và khi dịch bệnh qua đi, anh tự mở cơ sở Phong Vi Tính tại nhà, chuyên sửa chữa máy vi tính bàn, laptop, máy in. Đi lại khó khăn nên việc mở cửa tiệm tại nhà thuận lợi hơn với anh.
Trò chuyện với anh, tôi hỏi: “Máy móc giờ đời mới, hiện đại, anh làm thế nào để theo kịp”. Anh trả lời gọn lỏn: “Mình vừa làm, vừa học là được thôi. Công việc cứ như một guồng quay cuốn mình vào, buộc mình phải theo và bắt kịp sự phát triển”.
Cứ thế, hàng ngày, bên một góc làm việc nhỏ đặt trước căn nhà tình nghĩa ở ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, anh Phong vẫn cặm cụi sửa những chiếc máy vi tính hư. Hôm đến gặp anh đã là 18 giờ, anh vẫn đang loay hoay làm việc. Một khách hàng là học sinh, bước vào sân hỏi: “Máy vi tính của em sửa xong chưa?”.
Anh Phong từ tốn nói: “Xong rồi nhưng anh còn mua pin, lắp vào và cho máy chạy thử. Khi nào máy chạy “ngon lành” anh sẽ báo em đến lấy”. Nói rồi, 15 phút sau, anh tắt máy tính, lên chiếc xe 3 bánh, chạy một mạch đến thị trấn Hậu Nghĩa để mua pin thay cho máy vi tính.
“Thằng Phong như vậy đó, làm xong mới ngơi nghỉ. Chuyện ăn cơm trễ, ngủ muộn để xong việc và giữ lời hứa với khách hàng đã trở thành thói quen. Cũng nhờ vậy, “khách mối” của nó khá nhiều, chủ yếu là giáo viên, học sinh” - bà Gái nói.
Thời gian qua, nguồn thu nhập của anh Phong từ công việc sửa máy vi tính khá ổn định, khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. “Tôi vui vì còn được lao động để tự lo cho bản thân, phụ giúp gia đình và thỉnh thoảng còn tham gia hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng cảnh ngộ” - anh Phong chia sẻ.
Giờ đây, cơn bĩ cực đã qua. Chuyện xưa cũng dần nguôi ngoai, anh luôn biết ơn cha mẹ và các em đã là chỗ dựa vững chắc giúp anh vượt qua “sóng gió” cuộc đời. Dù cơ thể không khỏe mạnh, đi lại vẫn phải nhờ đôi nạng, không bưng bê được vật nặng nhưng anh Phong khẳng định, suy nghĩ tiêu cực, bi quan đã không còn. Đặc biệt, sau chuyến trở về từ Hà Nội, anh lại càng suy nghĩ tích cực hơn và có thêm động lực tiếp tục phấn đấu.
Anh Nguyễn Thanh Phong vui vẻ trò chuyện với khách hàng đến sửa máy vi tính
Anh Phong kể, giữa tháng 4/2024, anh là một trong những cá nhân của tỉnh được đi Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc. Trong chuyến đi này, anh gặp và biết được nhiều số phận còn bi kịch và nghiệt ngã hơn nhiều lần nhưng họ vẫn ngoạn mục vượt lên, sống tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội, có những người còn trở thành người kinh doanh thành đạt. So với những khó khăn, mất mát của những người ấy, anh cho rằng bản thân còn quá nhỏ nhoi.
“Cuộc sống luôn có nhiều ước mơ và con đường, mục tiêu hướng đến. Với bản thân, tôi cảm thấy hài lòng với hiện tại. Còn được sống vui bên gia đình, được lao động, có thu nhập ổn định là niềm hạnh phúc và tôi luôn trân trọng những điều đó” - anh Phong tâm sự.
Và đến bây giờ, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” vẫn là câu “thần chú” mà anh thường xuyên tự nhắc nhở để mỗi ngày sẽ sống tốt, vui tươi và hạnh phúc hơn./.
"Tôi cảm thấy hài lòng với hiện tại. Còn được sống vui bên gia đình, được lao động, có thu nhập ổn định là niềm hạnh phúc và tôi luôn trân trọng những điều đó”.
Anh Nguyễn Thanh Phong
|
Lê Đức - Thùy Hương