Tiếng Việt | English

26/09/2018 - 21:05

Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư: Những điểm mới theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Nếu Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 chỉ quy định về tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực công thì BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lĩnh vực Nhà nước đối với các tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; bổ sung những chủ thể thực hiện tội tham nhũng thuộc lĩnh vực tư.

Hiện nay, tham nhũng trong lĩnh vực tư thường xảy ra trên các lĩnh vực như cung cấp dịch vụ: điện, nước, kết cấu hạ tầng, cho thuê mặt bằng của các chủ đầu tư hạ tầng và đặc biệt, trong quan hệ tín dụng, ngân hàng là phổ biến. Thời gian gần đây, riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hàng chục vụ đại án liên quan đến cán bộ cao cấp của các ngân hàng thương mại đã được khởi tố, xét xử. Phần lớn các vụ án đều liên quan đến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại thoái hóa, biến chất, được các doanh nghiệp, cá nhân móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán; thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, lập hồ sơ giả, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay tiền dẫn đến thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước.

Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư không chỉ xảy ra trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước mà còn xảy ra giữa các doanh nghiệp với nhau. Trong nội bộ doanh nghiệp cũng xảy ra việc một số người nắm giữ quyền hạn trong quản lý tiền và tài sản của doanh nghiệp đã lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản đó; hay sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng; việc quản lý thu - chi không đúng quy định, hành vi chiếm dụng các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của người dân,... Trước đó, BLHS năm 1999 chỉ quy định về tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực công. Phải đến khi BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật, tham nhũng trong lĩnh vực tư mới được đề cập đến và có những quy định cụ thể bằng luật. Tại các Điều 353, 354 BLHS năm 2015, bổ sung những chủ thể thực hiện tội tham nhũng thuộc lĩnh vực tư: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Quy định này sẽ tránh bỏ lọt tội phạm, bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống tham ô tài sản của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, BLHS năm 2015 đã bổ sung các khái niệm về tội phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những chủ thể, tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư.

Trước đây, theo quy định của BLHS năm 1999, mặc dù một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tư vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự như hành vi chiếm đoạt tài sản của người điều hành hay việc biển thủ tài sản, ngân quỹ được giao quản lý thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 139 “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc theo Điều 140 “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, những quy định này chưa phù hợp và chưa phản ánh đúng bản chất của tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư. Những nội dung sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015 về mặt khái niệm, chủ thể, hành vi, những yếu tố cấu thành cơ bản của nhóm tội tham nhũng đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét, xử lý hình sự đối với các chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư./.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An

Chia sẻ bài viết